11.382 trang thông tin điện tử, sàn thương mại điện tử phục vụ người dân thủ đô đón Tết Nguyên đán 2021

10:17, 31/01/2021

Doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và 11.382 trang thông tin điện tử, sàn thương mại điện tử phục vụ người dân thủ đô đón Tết Nguyên đán 2021.

Theo ngành Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và 11.382 trang thông tin điện tử, sàn thương mại điện tử và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, các hộ kinh doanh trên đia bàn thành phố.

Sẽ có 11382 trang thông tin điện tử sàn thương mại điện tử tại Hà Nội phục vụ người dân mua sắm tếtSẽ có 11.382 trang thông tin điện tử, sàn thương mại điện tử tại Hà Nội phục vụ người dân mua sắm tết

Thông thường, khoảng 2-3 tuần trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bắt đầu đưa các chuyến hàng Việt về khu vực nông thôn. Đối với vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp, các chuyến hàng thường tổ chức sát với ngày người lao động bắt đầu nghỉ Tết và kéo dài khoảng 4-5 ngày.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hằng năm, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân. Sản phẩm được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng bình ổn giá…

Theo bà Trần Thị Phương Lan, để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, TP. Hà Nội chỉ đạo chính quyền các huyện tạo điều kiện về mặt bằng, bảo đảm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tổ chức bán hàng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp tạo điều kiện bố trí, giới thiệu địa điểm phát triển mạng lưới bán lẻ cố định... Sở cũng tham mưu thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp duy trì các điểm bán lẻ tại khu vực ngoại thành phục vụ người tiêu dùng.

Để tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn, các khu công nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, bên cạnh các chuyến hàng lưu động, doanh nghiệp rất cần được tạo điều kiện, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các doanh nghiệp khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Việc đưa hàng Tết về khu vực ngoại thành sẽ góp phần giúp người dân khu vực xa trung tâm có cơ hội tiếp cận nguồn hàng chất lượng, an toàn với mức giá phù hợp. Ðồng thời, từng bước gắn kết người tiêu dùng với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cùng với việc chuẩn bị đủ nguồn cung, đưa hàng Việt về nông thôn, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở giết mổ…. Việc kiểm tra kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, không gây cản trở đến lưu thông hàng hóa.

 PV (T/h)