5G và cơ hội của Việt Nam

Hữu Ích 23:21, 07/01/2020

Hiện 5G đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ, hứa hẹn sẽ được ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần, nhất là những sản phẩm thông minh

Trên thế giới hiện đã có gần 20 mạng 5G hoạt động và 134 mạng thử nghiệm, với 20 nhà cung cấp các thiết bị tại 60 quốc gia.

Tham vọng đi đầu

Mạng 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp thông tin (ICT). Với nhu cầu lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt là thiết bị đầu cuối, 5G sẽ tạo ra thị trường lớn cho các công ty công nghệ Việt Nam. Nắm bắt xu hướng đó, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT và MobiFone).

Đầu tháng 5/2019, Viettel cùng với Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G ở Việt Nam. Việc thử nghiệm kỹ thuật này, nhằm đánh giá về khả năng ứng dụng công nghệ 5G trong thực tiễn tại Việt Nam. Ghi nhận tốc độ kết nối mạng 5G với thiết bị đầu cuối đã đạt từ 1,5 – 1,7Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại. Sau thử nghiệm, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng mạng di động 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, VNPT cũng đang đang khẩn trương thiết lập mạng 5G thử nghiệm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và Mobifone dự kiến tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Đại diện VNPT cho biết, để thử nghiệm hệ thống mạng 5G, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển với Tập đoàn Nokia để cùng thiết lập phòng Lab nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G. Hai bên sẽ hợp tác thử nghiệm các công nghệ mạng 5G và các giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G, nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G... Theo kế hoạch, các nhà mạng sẽ thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là định hướng phát triển của nền công nghiệp thông tin (ICT) Việt Nam. Việc thử nghiệm công nghệ 5G ở khu vực tần số cao, về khả năng phủ sóng trong thành phố, đánh giá về can nhiễu vệ tinh, thử nghiệm tốc khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G”,.

Theo Bộ trưởng, đây không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp viễn thông - CNTT của Việt Nam. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra một thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam. "Chúng ta hãy coi Việt Nam là cái nôi để phát triển công nghệ và sản phẩm, để từ đây đi ra chinh phục thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Vượt qua thách thức

5G sẽ là mảnh đất màu mỡ cho thực tế ảo, các ứng dụng theo thời gian thực, xe tự lái, máy bay không người lái, mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT)... Chính các ưu điểm vượt trội và tiềm năng rất lớn của mạng 5G sẽ đặt ra nhiều thách thức trong tương lai cho Việt Nam. Chính phủ, các nhà mạng viễn thông hay các công ty công nghệ sẽ phải đối mặt với các vấn đề bao gồm việc quản lý hàng triệu các thiết bị cùng kết nối. Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo được an toàn thông tin mạng và hoạt động chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Việc hiện thực hóa 5G cũng cần 4 điều kiện cơ bản: chính sách nền công nghiệp quốc gia, quy hoạch tần số, sự chuẩn bị của hạ tầng ứng dụng, và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân tài. Nói về việc triển khai 5G tại Việt Nam, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Inter- net Việt Nam, 5G tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi đòi hỏi hạ tầng viễn thông mạng phổ rộng và tốc độ cao, nó tạo ra vấn đề về việc đầu tư hạ tầng kết nối. Để có mạng 5G chạy tốt phải có mạng kết nối cáp quang giữa các trạm phát rất nhiều, dày đặc mới thực hiện được.

“Thách thức thứ hai ở chính các nhà mạng, các nhà mạng hầu hết mới đầu tư 4G, rất có thể chưa đủ thời gian thu hồi vốn, bây giờ đầu tư cho một thế hệ mạng mới với nguồn tài chính lớn cũng là một sự cân nhắc kỹ. Năm 2019 có thể chưa bùng nổ về công nghệ mạng 5G, có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đến năm 2020 hoặc 2021”, ông Bình nói. Ông Bình nhấn mạnh: "Hơn hết, đầu tư vào vào viễn thông đặc biệt là 5G là câu chuyện dành cho các doanh nghiệp mạnh về tài chính. Các doanh nghiệp viễn thông nhỏ gặp rất nhiều thách thức và khó khăn”.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Qatar, Bahrain… đã chi những khoản tiền rất lớn cho nghiên cứu, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ này. Dự báo tới năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 1.500 tỷ USD được đầu tư vào công nghệ này. Chính vì vậy, 5G không phải là một cuộc đua “bình dân" vì để triển khai 5G, các nhà mạng cũng cần một khoản kinh phí đầu tư rất lớn. Cũng nói về khó khăn khi triển khai 5G, ông Lê Văn Thành - Giám đốc công nghệ của Dell EMC cho biết: "Thách thức của Việt Nam là số người sử dụng những thiết bị cũ chỉ có công nghệ 2G, 3G vẫn còn đông nên khi triển khai mạng 5G người dùng sẽ phải thay đổi thiết bị của họ. Các hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai tại các doanh nghiệp vẫn là công nghệ cũ. Để sẵn sàng cho công nghệ 5G các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hạ tầng công nghệ thông tin của họ.

5G là công nghệ để giải quyết vấn đề tốc độ đường truyền cao, độ trễ thấp cũng như tiêu thụ năng lượng thấp, nhưng đấy chỉ về mặt truyền dữ liệu. Đằng sau việc tiếp nhận một dữ liệu thông tin rất lớn, chúng ta phải đối mặt với việc làm sao để khai thác, phân tích dữ liệu đó để tạo ra những thay đổi trong kinh doanh." Một yếu tố quan trọng khác để 5G phát triển là phải có các ứng dụng đi kèm. 5G được kỳ vọng áp dụng nhiều trong lĩnh vực giao thông như xe tự lái, điều tiết giao thông theo thời gian thực; lĩnh vực sức khỏe như phẫu thuật từ xa hay kết nối vạn vật (IoT). Nhưng thực tế ở Việt Nam cho thấy, nhu cầu của các lĩnh vực này còn khá ít ỏi, đặt ra bài toán kinh doanh cho các nhà phát triển.

Ngay cả một số nước có nền kinh tế phát triển, tổng thể hạ tầng tốt hơn Việt Nam rất nhiều, họ vẫn khá dè dặt với sự phát triển của 5G. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội GSM toàn cầu cho biết, cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025 dự kiến có khoảng 675 triệu thuê bao 5G, chiếm 14% tổng số thuê bao di động và 37% dân số. Trong số đó, những nước có hạ tầng phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cũng chỉ tập trung ở các vùng đô thị và đến 2025 chỉ có khoảng 50-60% thuê bao di động có kết nối 5G. Một thách thức khác đối với Việt Nam là vấn đề bảo mật, an toàn an ninh mạng. Với việc đứng "đầu bảng" bị tấn công mạng tại Đông Nam Á (số liệu năm 2018), Việt Nam sẽ trở thành "miếng mồi ngon" khi triển khai hàng loạt dịch vụ 5G.

Vì 5G cho phép nhiều kết nối hơn, khả năng thu hút sự chú ý từ tội phạm mạng sẽ tăng lên đáng kể. Thiết bị IoT sẽ dễ bị tấn công theo hai cách, do lỗ hổng trên chính các thiết bị, và do các mạng botnet vượt ra ngoài các thiết bị, ảnh hưởng đến cả các hệ thống điều khiển thông minh chứ không chỉ trộm cắp danh tính hay gian lận thẻ tín dụng. Theo Statista (một cổng thông tin trực tuyến về thống kê của Đức), số lượng thiết bị IoT được dự báo sẽ tăng lên 31 tỉ vào năm 2020, 74 tỉ vào năm 2025, dẫn đến nhiều thách thức về vấn đề bảo mật. Khi tiến gần hơn đến một thế giới siêu kết nối với cơ sở hạ tầng 5G, các mối đe dọa bảo mật không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa.

Lê Liên