Âm thầm bảo tồn nguồn gen quý trên dãy Hoàng Liên Sơn

15:30, 27/02/2023

Vườn quốc gia Hoàng Liên nằm ở hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu là nơi chứa đựng nguồn gen động, thực vật phong phú, quý hiếm bậc nhất Việt Nam, trong đó nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Làm thế nào để bảo tồn nguồn gen đặc hữu cho muôn đời sau là nỗi niềm đau đáu của những nhà khoa học nơi đây.

Nói đến thực vật đặc hữu trên núi cao Hoàng Liên Sơn không thể không kể đến Đỗ quyên. Đỗ quyên được coi là nữ hoàng của các loài hoa trên dãy Hoàng Liên Sơn với vẻ đẹp mê đắm lòng người và sự thanh cao, tao nhã. Cũng chính vì vẻ đẹp đó mà có một thời gian Đỗ quyên được săn lùng, khai thác trái phép bán về xuôi làm cảnh với số lượng lớn. Hầu như ở những khu vực núi rừng gần các bản làng, giao thông đi lại thuận lợi đã vắng bóng Đỗ quyên. Trong khi để một cây Đỗ quyên sinh trưởng tự nhiên phải mất vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới trưởng thành cho hoa đẹp.

Năm 2004, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu các phương pháp nhân giống một số loài Đỗ quyên bằng hạt và giâm cành tại núi Hoàng Liên”. Kết quả đã điều tra và công bố 30 loài Đỗ quyên quý hiếm có phân bố tại VQG Hoàng Liên. Kết quả đề tài cũng khẳng định tính đa dạng, phong phú của các loài Đỗ quyên, khẳng định khu vực núi Hoàng Liên là trung tâm đa dạng các loài Đỗ quyên lớn nhất Việt Nam. Cùng với đó VQG Hoàng Liên phối hợp xuất bản cuốn sách "Đa dạng hoa Đỗ quyên VQG Hoàng Liên’’. Quan trọng hơn, đề tài đã xây dựng được quy trình nhân giống của 06 loài Đỗ quyên bằng phương pháp gieo hạt và giâm hom. Nhờ kết quả nghiên cứu của đề tài đến nay nhiều loài Đỗ quyên quý hiếm đã được nhân giống thành công để bảo tồn trước nguy cơ bị xâm hại.

Được đánh giá là khó nhất trong nhân giống, nuôi trồng, bảo tồn nguồn gen thực vật phải kể đến là các loài cây lá kim quý hiếm trên núi cao như Vân Sam, Thiết sam, Bách xanh, Hoàng đàn, Thông đỏ. Đây là những loài cây mà khả năng tự nhân giống ngoài môi trường thiên nhiên vô cùng hạn chế. Hay nói cách khác gần như bằng không. Trong khi đó quần thể cây còn rất ít có nguy cơ cao tuyệt chủng nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Với lòng kiên trì thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau trong một thời gian dài, các cán bộ của Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thành công trong tìm ra đặc tính nhân giống tự nhiên của mỗi loài. Hơn 500 cây Thiết sam nhân giống thành công bằng phương pháp gieo hạt, 5.000 cây Hoàng đàn, 5.000 cây bách xanh nhân giống từ hom và hạt đã mở ra tương lai tươi sáng để phục hồi những cánh rừng lá kim quý hiếm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học công nghệ cao để nhân giống, bảo tồn, phát triển những nguồn gen thực vật quý được vườn mở rộng ra những loài cây dược liệu như Sâm Ngọc linh, Tam Thất bắc, Tam Thất hoang, Hoàng liên ô rô, Hoàng liên gai... Các hoạt động này góp phần thiết thực nâng cao năng lực quản lý bảo tồn cho cán bộ của VQG Hoàng Liên và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học khi tự sản xuất không khai thác trong rừng tự nhiên.

Bị săn lùng khai thác tận diệt nhiều nhất tại tất cả các cánh rừng thời gian qua phải kể đến các loài phong lan. Nhất là khi nhu cầu của người dân cả nước chơi lan diễn ra rất mạnh mẽ. Khách du lịch đến với Sa Pa thường muốn mang về những giò phong lan làm kỷ niệm. Bởi vậy mà hoạt động lén lút khai thác phong lan tự nhiên diễn ra trong thời gian dài rất khó bảo vệ. Nhiều loài quý, hiếm có giá trị kinh tế cao đã và đang bị khai thác cạn kiệt, suy giảm số lượng loài ngoài tự nhiên. Làm thế nào để giảm khai thác phong lan tự nhiên nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu thương mại hóa loài hoa quý là bài toán đặt ra với những cán bộ của Vườn. Đề tài “Thử nghiệm sản xuất một số giống hoa Lan Sa Pa bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào” được đề xuất, triển khai thành công đã mở ra cánh cửa rộng lớn để giải bài toán trên.

Việc áp dụng công nghệ cao trong nhân giống Phong Lan đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm chuyên biệt. Chính vì vậy năm 2005 phòng nuôi cấy mô tế bào đã được đầu tư đưa vào hoạt động. Kết quả đề tài đã xây dựng được 07 quy trình nhân giống Lan tự nhiên. Tiếp nối thành công đó, VQG Hoàng Liên tiếp tục xây dựng vườn lan giống gốc nhằm mục đích bảo tồn, phát triển và quảng bá đa dạng sinh học và phong phú hoa Lan với hàng trăm loài khác nhau, được nhiều nhà khoa học và lãnh đạo Trung ương tới thăm, khen ngợi. Không dừng lại ở đó Vườn đã chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, cung cấp nhiều giống Lan quý cho người dân sản xuất. Cung cấp 10 vạn cây giống lan nuôi cấy mô khỏe mạnh, sạch bệnh cho 300 hộ dân các xã vùng lõi và vùng đệm VQG Hoàng Liên.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên khẳng định: Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm số một của chúng tôi là bảo vệ bền vững tài nguyên rừng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong bảo vệ đa dạng sinh học; tuyên truyền, vận động người dân trong vùng lõi, vùng đệm tham gia bảo vệ động vật hoang dã, chú trọng phối hợp với các nhà trường trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thông qua thế hệ trẻ, lan tỏa tới cộng đồng ý thức cùng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học.

Việc làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của VQG Hoàng Liên có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng Vườn Quốc gia Hoàng Liên thành một bảo tàng sống - nơi lưu giữ nguồn gen động, thực vật quý hiếm cho Việt Nam và thế giới.

Theo Tạp chí in số tháng 1+2+3/2023