Apple sẽ phải sản xuất hệ thống sạc của mình theo bộ sạc tiêu chuẩn của châu Âu vào năm 2024

16:19, 21/09/2021

Theo đề xuất luật mới của châu Âu sẽ yêu cầu tất cả các nhà sản xuất phải đồng bộ đầu nối sạc trên thiết bị là cổng USB-C cũng như làm cho giao thức phần mềm sạc nhanh của họ có thể tương thích với các thương hiệu khác.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất quy định bắt buộc các nhà sản xuất sử dụng bộ sạc chung cho các thiết bị điện tử vào năm 2024. Cụ thể, EC yêu cầu các nhà sản xuất phải đồng bộ đầu nối sạc trên thiết bị là cổng USB-C cũng như làm cho giao thức phần mềm sạc nhanh của họ có thể tương thích với các thương hiệu và thiết bị khác.

Hãng công nghệ bị tác động lớn nhất của luật mới (nếu được EU thông qua chính thức) sẽ là Apple. Trước đó, hãng này đã có những động thái cụ thể nhằm chống lại nỗ lực của EU về tiêu chuẩn hóa bộ sạc với quan điểm cho rằng điều này sẽ cản trở sự đổi mới. Apple hiện vẫn đang sử dụng đầu nối Lightning độc quyền của mình cho iPhone.

EC đặt mục tiêu thông qua đề xuất luật này vào năm 2022 và sẽ cho các nước thành viên thêm 1 năm để chuyển đổi thành luật trong nước. Như vậy, tới đầu năm 2024, các bộ sạc sẽ phải tuân theo tiêu chuẩn chung của EU. Các nhà sản xuất cũng sẽ được yêu cầu ngừng bán bộ sạc của smartphone mới, thay vào đó cho phép người tiêu dùng lựa chọn sử dụng bộ sạc cũ của họ.

Các hãng sản xuất smartphone sẽ phải sản xuất hệ thống sạc của mình theo bộ sạc tiêu chuẩn của châu Âu.

Được biết, mục đích EU đưa ra đề xuất luật nhằm giảm lượng rác thải điện tử. Suốt hơn chục năm qua, EU đã rất cố gắng để thuyết phục các nhà sản xuất smartphone đi tới việc áp dụng chuẩn kết nối chung cho thiết bị họ sản xuất và bán ra tại châu Âu. Ngày nay, từ hơn 30 phương thức sạc độc quyền đã gói gọn thành 3 loại đầu sạc phổ biến. Mặc dù vậy, số lượng chất thải điện tử gây ra bởi các bộ sạc hàng năm vẫn còn rất lớn.

Dữ liệu cho thấy, năm 2016 châu Âu đã thải ra 12,3 triệu tấn chất thải điện tử, với trung bình 16,6 kg mỗi người dân. Nếu tất cả các thiết bị điện tử sử dụng cùng một bộ sạc, lượng chất thải điện tử có thể giảm mạnh. Tiêu chuẩn cổng sạc thống nhất đem lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng lẫn môi trường. Do giao diện và dây cáp sạc độc quyền của Apple, bộ sạc của thiết bị cũ bị loại bỏ khi người tiêu dùng thay thế thiết bị mới không thuộc Apple.

Các tiêu chuẩn thống nhất có nghĩa là dù Android chuyển sang Apple hay người dùng Apple đang chuyển sang Android, cáp sạc ban đầu vẫn có thể được sử dụng lại, giúp tiết kiệm chi phí cho các phụ kiện sạc. Một số người dùng đã chỉ ra rằng bốn cổng USB-C trên MacBook Pro khiến việc kết nối với iPhone trở nên bất khả thi và họ phải mua thêm bộ chuyển đổi. Trải nghiệm bất tiện lẫn "tốn kém" này không phải là điều người dùng có thể dễ dàng chấp nhận.

Mặc dù Apple tuyên bố phản đối giao diện bộ sạc thống nhất sẽ "làm tổn hại lợi ích của người tiêu dùng châu Âu và gây hại cho nền kinh tế châu Âu". Tuy nhiên, từ quan điểm của Liên minh châu Âu, các tiêu chuẩn thống nhất trên sẽ mang lại lợi ích cho đất nước và người dân nhiều hơn.

Cho đến ngày nay, USB-C đã trở thành xu hướng chủ đạo của các sản phẩm có hệ điều hành Android. Giao diện này có thể hỗ trợ sạc và truyền dữ liệu của điện thoại di động, máy tính xách tay, thiết bị cầm tay, ổ cứng di động, ô tô, gia đình và các lĩnh vực khác một cách thuận tiện nhất.

Ngoài ra, giao diện Type-C có thể đạt tốc độ sạc nhanh với dòng điện lớn hơn tới 100W, đạt tốc độ truyền nhanh nhất 10Gbits/giây và cũng truyền âm thanh. Cuối cùng, nó cũng có thể tích hợp khả năng tương thích với Thunderbolt 3 để đạt được thông lượng dữ liệu lên đến 40Gbps. Trên thực tế, USB-C không được sử dụng trên iPhone rõ ràng có liên quan đến chuỗi lợi ích thị trường phụ kiện của Apple.

Apple có số lượng người dùng iPhone rất lớn và các thiết bị này phụ thuộc nhiều vào cổng sạc Lightning. Apple chỉ sử dụng cổng Lightning với iPhone và một số iPad thế hệ cũ. Theo Apple, việc "đổi mới" theo tiêu chuẩn thống nhất của Liên minh Châu Âu sẽ khiến chiến lược khác biệt hóa của Apple trên giao diện sạc không thành công. Apple tin rằng giao diện bộ sạc hợp nhất sẽ "gây hại cho lợi ích của người tiêu dùng châu Âu" và cho rằng nghị quyết của EU là "kìm hãm sự đổi mới".

Cổng Lightning giúp Apple có lợi nhuận lớn trong thị trường phụ kiện. Apple đã kiểm soát chặt chẽ lợi nhuận của thị trường phụ kiện iPhone thông qua cơ chế chứng nhận MFi. Nói cách khác, Apple đã hình thành một bộ tiêu chuẩn chứng nhận khép kín thông qua các giao diện và phụ kiện cụ thể của riêng mình. Do đó, Apple đã có được tỷ lệ lợi nhuận cao, ổn định (20% đến 25%).

Trong những năm qua, Apple đã kiếm được rất nhiều tiền thông qua chứng nhận MFI. Đây là miếng bánh mà các nhà sản xuất Android không thể tham gia và chia sẻ với Apple. Apple có thể thông qua chứng nhận MFI và cổng Lightning để đảm bảo rằng họ kiểm soát thị trường phụ kiện và kiếm được lợi nhuận cao.

Nếu bộ sạc được thống nhất, điều đó có nghĩa là các bộ sạc Android khác sẽ được áp dụng cho các sản phẩm của Apple. Apple không thể kiểm soát lợi nhuận của thị trường phụ kiện sạc iPhone. Mặt khác, từ quan điểm thiết kế bộ sạc và thiết kế bên trong của điện thoại di động là một hệ thống chặt chẽ, cách thống nhất bắt buộc này sẽ buộc Apple phải đổi mới hoàn toàn hệ sinh thái vốn độc lập của mình.

Chân Hoàn (T/h)