Australia kiên quyết ngăn chặn hành vi truyền bá nội dung độc hại trên mạng

08:30, 28/12/2020

Chính phủ Australia đang lấy ý kiến của người dân về dự luật an toàn trên không gian mạng được coi là đặc biệt nghiêm khắc. Theo nội dung dự luật, các hành vi bắt nạt hay chia sẻ nội dung bạo lực trên mạng có thể bị phạt hơn nửa triệu AUD.

Trong tuần qua, chính phủ Australia đã công bố Dự luật An toàn trực tuyến mới và tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của người dân cũng như của các bên liên quan. Dự luật điều chỉnh các hành vi an toàn trên không gian mạng sẽ được lấy ý kiến cho đến giữa tháng 2 tới và sau đó sẽ được trình lên Quốc hội để xem xét ban hành.

Các mạng xã hội sẽ có trách nhiệm lớn hơn trong việc phối hợp với chính phủ Australia ngăn chặn nội dung độc hại trên không gian mạng. Ảnh: Guardian

Các mạng xã hội sẽ có trách nhiệm lớn hơn trong việc phối hợp với chính phủ Australia ngăn chặn nội dung độc hại trên không gian mạng.

Dư luật được xây dựng nhằm cân bằng và điều chỉnh các hành vi bắt nạt, xâm hại hay bạo lực trên mạng với quyền tự do ngôn luận. Theo dự luật, các nội dung chia sẻ hay bài đăng trên các nền tảng trực tuyến sẽ được giám sát chặt chẽ. Theo đó, các bài viết vi phạm bao gồm chia sẻ các đoạn clip bạo lực, trò đùa ác ý, thông tin sai lệch hay lạm dụng sẽ được yêu cầu xóa bỏ trong vòng 24h. Các cá nhân có bài viết hay bình luận phạm luật nếu từ chối gỡ bài có thể bị phạt hành chính với số tiền hơn 110.000 AUD, trong khi đó mức phạt đối với tổ chức sẽ lên đến 550.000 AUD.

Bên cạnh đó, việc sử dụng tài khoản ẩn danh hay giả mạo để thực hiện hành vi lạm dụng, chia sẻ nội dung bất hợp pháp và bạo lực cũng sẽ được điều chỉnh bằng dự luật này. Dự luật cũng sẽ quy định trách nhiệm của các nền tảng số bao gồm các mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin và trang web trò chơi trực tuyến trong việc đảm bảo an toàn cho người dân Australia trên không gian mạng.

Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu các nền tảng số bổ sung các tính năng an toàn số theo yêu cầu của pháp luật Australia, thực thi các điều khoản dịch vụ đã cam kết với người dùng và cung cấp cho cơ quan chính phủ thông tin cụ thể liên quan đến các biện pháp ngăn chặn các nội dung bạo lực và khủng bố. Và trong trường hợp xảy ra các sự kiện tương tự như vụ khủng bố tại thành phố Christchurch của New Zealand hồi năm ngoái, cơ quan chức năng sẽ có quyền yêu cầu các nhà cung cấp internet ngăn chặn truy cập vào các nội dung khủng bố hoặc bạo lực cực đoan.

Thiên Thanh (T/h)