Bắc Giang: Tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ toàn quốc

12:22, 18/03/2022

Sáng 17/3, tại thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ toàn quốc năm 2022.

Hội nghị nhằm tập trung làm rõ những kết quả đạt được và nhận dạng những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Từ đó đưa ra định hướng phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ ở Trung ương và địa phương năm 2022 và các năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy sở hữu trí tuệ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép sở hữu trí tuệ trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do đó, quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó.

Năm 2021, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt kỳ vọng, với những thành tựu đã đạt được, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc thiết lập những cơ chế, chính sách có liên quan, lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ có những bước phát triển mới và có tính đột phá, nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.

Báo cáo tổng quan hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2021 ở trung ương và địa phương, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, năm 2021, công tác xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được được thực hiện đúng tiến độ đề ra; việc triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và Chương trình phát triển phát triển tài sản trí tuệ đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của khoa học & công nghệ ở các Bộ, ngành và địa phương.

Dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nhưng lượng đơn sáng chế và kiểu dáng công nghiệp vẫn tăng khá cao (tương ứng là 9,1% và 11,9%) so với năm 2020; kết quả xử lý đơn sở hữu công nghiệp tăng 3,8%, trong đó kết quả xử lý đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 6,3%. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại về công nghiệp tăng 29% và các loại đơn/yêu cầu liên quan đến văn bằng bảo hộ tăng trên 15%. Cùng với đó, công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ được duy trì, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước.

Tham gia tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong những năm qua công tác quản lý nhà nước về khoa học & công nghệ nói chung, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của tỉnh Bắc Giang nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 2.569 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.284 Giấy chứng nhận nhãn hiệu; trong 84 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cấp 57 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 45 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp 11 văn bằng bảo hộ độc quyền. Trong đó, một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang đã được đăng ký bảo hộ tại nước ngoài như: Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại 08 quốc gia (Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Mỹ); mỳ Kế được bảo hộ tại 5 quốc gia (Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc); mỳ Chũ được bảo hộ tại 5 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia). Sản phẩm gà đồi Yên Thế được bảo hộ tại 3 quốc gia (Trung Quốc, Lào, Singapore).

Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn là nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Các sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ đã phát huy giá trị riêng có, ưu việt của mình, sản phẩm được đóng gói và có tem nhãn ghi rõ xuất xứ hàng hóa (mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, nấm Lạng Giang, gà đồi Yên Thế, rượu làng Vân,...), chính vì vậy đã mang lại uy tín, chất lượng và giữ vững được trên thị thường.

Tuy vậy, đại diện Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bắc Giang đánh giá trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp và địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cuộc cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng và đáp ứng các yêu cầu quản lý và phát triển, sản phẩm rõ ràng, minh bạch, truy xuất được quá trình sản xuất thu hoạch, chế biến đóng gói, bảo quản.

Toàn cảnh hội nghị.

Cũng tại hội nghị lần này, nhiều đại biểu cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ để trình Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022. Tổ chức triển khai xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Cùng đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành có hiệu quả nội dung sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại quốc tế; tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài; tổ chức biên soạn các giáo trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ cho cán bộ quản lý nhà nước.

Cùng với đó, các địa phương cần củng cố các đầu mối chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ… Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

PV

TIN LIÊN QUAN