Bản đồ trái cây Việt Nam được thể hiện trên nền tảng thương mại điện tử

15:42, 08/09/2021

Để quảng bá trái cây Việt Nam, chị Nguyễn Ngọc Huyền đã sáng lập và mang bản đồ trái cây tham gia hội chợ Macfrut tại châu Âu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam mang một sản phẩm mới lạ (không phải là nông sản) đến Hội chợ Macfrut - nơi quy tụ của hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới được tổ chức tại thành phố Rimini, nước Italy.

Theo đó, trong ba ngày 7-8-9/9, tại hội chợ nông sản tổ chức tại Rimini Expo Center – thành phố Rimini, Italy, bản đồ trái cây Việt Nam https://bandotraicayvietnam.com hay http://fruitmap.vn, đã ra mắt phiên bản quốc tế. Hội chợ có sự quy tụ của hơn 70 quốc gia trên thế giới

Tại hội chợ nông sản Việt Nam có gian hàng tham gia. Gian hàng được tổ chức bởi Đại Sứ Quán Việt Nam tại Ý - UBND tỉnh Sơn La - UBND tỉnh Bến Tre - UBND tỉnh Bình Thuận - Công ty TNHH Mia Fruit - Công ty CP ĐT&PT trà Tiên Thiên - Công ty TNHH Lương Quới - Công ty CPĐT tài chính BENICO - Công ty TNHH Green Power .

Bản đồ trái cây Việt Nam phiên bản số hóa được chị Huyền và đội ngũ nhân viên của mình phát triển, xây dựng nên. Bản đồ này nhằm hệ thống hoá dữ liệu vùng trồng và xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho các loại cây ăn trái ở Việt Nam.

Đây không phải bản đồ 2D, bản đồ trên giấy, mà là bản đồ công nghệ, bản đồ số hóa, nên khi sử dụng bằng bất cứ phương tiện điện tử nào gồm máy tính, điện thoại… đều có thể truy cập được. Trên cơ sở đó, 63 tỉnh thành, mỗi một địa phương có đặc sản gì, chỉ dẫn địa lý gì, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu từ Bắc, Trung, Nam, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ… đều được hiện ra một cách khái quát.

Chủ tịch Macfrut và bà Nguyễn Thị Bích Huệ (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ý), thăm “tiền trạm” gian hàng Việt Nam tại hội chợ.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mia Fruit cho biết, mang bản đồ trái cây tới hội chợ là vì muốn giới thiệu và quảng bá trái cây Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách nhanh chóng, hiệu quả và hiện đại nhất. Từ đó bà có thể kết nối được nông sản trong nước với những thị trường tiềm năng.

Theo bà Huyền, dự án "Bản đồ trái cây Việt Nam" (bandotraicayvietnam.com) được bà ấp ủ trong suốt 8 năm kinh doanh trái cây. Bản đồ này là nơi hệ thống hoá thông tin dữ liệu hình ảnh trái cây Việt theo chỉ dẫn địa lý và đặc hữu vùng miền, được thể hiện trên nền tảng thương mại điện tử.

"Bản đồ phiên bản tiếng Việt ra mắt hồi tháng 7 và mới đây chúng tôi đã cho ra thêm bản đồ phiên bản quốc tế tại Italy hôm 7/9, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đại sứ Quán Việt Nam", bà Huyền nói.

Cũng theo bà, đây là bản đồ công nghệ, bản đồ số hóa nên khi sử dụng bằng bất cứ phương tiện điện tử nào như máy tính, điện thoại,... mọi người đều có thể truy cập để thấy được bức tranh toàn cảnh của Việt Nam như thế nào. Trên cơ sở đó, 63 tỉnh thành, mỗi địa phương có đặc sản, chỉ dẫn địa lý gì, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu từ Bắc, Trung, Nam, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ,... đều được hiện ra.

Giao diện bản đồ trái cây Việt Nam (phiên bản máy tính).

Bà Huyền kỳ vọng, thời gian tới sẽ có những hội chợ triển lãm trái cây ở Việt Nam để chia sẻ thông tin rõ hơn, cho dù Covid-19 có kéo dài bao lâu mà bản đồ hoa quả đã hình thành, thì các bạn bè quốc tế ở đâu cũng có thể truy cập và biết được Việt Nam có những loại trái cây gì, đạt tiêu chuẩn như thế nào và tiến tới tìm hiểu sâu hơn. Từ bản đồ trái cây, sắp tới bà cũng sẽ có kế hoạch làm thêm bản đồ Hợp tác xã, bản đồ Logistic để kết nối và hỗ trợ việc giao thương một cách tốt nhất.

Thùy Chi