Bao nhiều phần trăm là thuê bao di động thực?

02:00, 01/07/2009

Vượt quá sự kỳ vọng của cơ quan quản lý nhà nước, tới thời điểm này, Việt Nam đã đạt mật độ điện thoại là 129,6 máy/100 dân. Thế nhưng, chưa kịp mừng, con số phát triển quá ấn tượng này lại cũng gây nên những băn khoăn…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2009, hai lĩnh vực Viễn thông và Internet của Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. Hiện giờ, toàn quốc có trên 21,62 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 25,32%. Tổng số thuê bao băng rộng đạt 2,4 triệu, chiếm 2,81%.

 Đặc biệt, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng Việt Nam đạt tới 110,7 triệu máy trong đó thuê bao di động chiếm 87,9%. Mật độ điện thoại đã là 129,6 máy/100 dân.

 Bao nhiêu % là thuê bao di động thực?

Chiếm tới 87,9% tổng số thuê bao, điều này có nghĩa số lượng thuê bao di động của Việt Nam hiện giờ vào khoảng 90 triệu. Một con số khiến không ít người phải giật mình kinh ngạc.

 Cũng đúng thôi, bởi theo cách tính thuê bao thực hiện nay thì chỉ cần thuê bao di động vẫn đang mở hai chiều hoặc thuê bao đã cắt một chiều (còn chiều nghe) được tính là thuê bao thực đang hoạt động. Ở thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng định nghĩa này đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại của các mạng di động.

 Bởi hiện giờ Việt Nam đang có tới 6 mạng di động đang cung cấp dịch vụ với nhiều chiêu khuyến mại hấp dẫn gần như cho không người dùng. Chả tội gì mà không thay sim như thay áo để vừa alô nhiều mà lại không mất quá nhiều chi phí. Đã vậy, người dùng cũng dễ dàng sở hữu một cái sim trả trước ngay sau khi đăng ký một vài thông tin cá nhân cần thiết cho nhà mạng.

Việc một cá nhân sử dụng tới dăm bảy sim điện thoại giờ không còn là chuyện hiếm. Nhưng lại diễn ra một thực tế “kẻ ăn không hết, người lần chả ra”. Khi điện thoại di động đã trở nên bão hoà ở khu vực thành thị thì ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vẫn có rất nhiều người được hưởng những lợi ích của dịch vụ điện thoại mang lại.

Thêm vào đó, tình trạng khuyến mại lớn khiến khách hàng được hưởng lợi lớn, song lại khiến chỉ số ARPU (doanh thu trung bình trên mỗi người dùng) của doanh nghiệp ngày một giảm sút trầm trọng. Đã có quan điểm cho rằng nên quy định thuê bao di động thực phải là thuê bao có phát sinh cước thì mới hợp lý hơn.

 Mặc dù việc quy định như thế nào là thuê bao di động thực phải được thực hiện lại nhưng xem ra quyết tâm này của Bộ Thông tin và Truyền thông (đưa ra từ quý I/2009) vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

 Và băn khoăn có bao nhiêu % trong số 90 triệu thuê bao di động là thuê bao thực, thực sự tồn tại bền vững đem lại doanh thu và lợi nhuận của nhà mạng vẫn là luôn là câu hỏi chưa có một câu trả lời xác đáng từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Sẽ siết chặt công tác quản lý

 Tài nguyên kho số di động là một tài nguyên hữu hạn, với sự phát triển nóng song không bên vững hiện nay, nhiều người lo ngại quỹ tài nguyên này đang bị lãng phí lớn. Nhận thấy rõ điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông đã hơn một lần tìm các biện pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng này. Từ việc quản chặt hơn công tác khuyến mại của doanh nghiệp, xây dựng lại quy định thế nào là thuê bao thực đến quản chặt hơn thuê bao trả trước.

 Mới đây, ngày 24/6/2009, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã ký Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước thay thế cho Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT ban hành 4/9/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng với nội dung Quy định quản lý thuê bao di động trả trước. Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư đó là quy định cụ thể, mỗi cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 3 sim trả trước/ mạng di động.

 Quy định này được đưa ra nhằm mục đích đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và công bằng tài nguyên viễn thông, tài nguyên kho số vốn là hữu hạn. Và đây cũng là một trong những động thái giúp cơ quan quản lý nhà nước có thể tìm ra cách điều chỉnh cho thị trường viễn thông Việt Nam phát triển thực sự bền vững chứ không “ăn sổi” như hiện nay.

Theo Vnmedia 



TIN LIÊN QUAN