Bệ đỡ giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ

14:04, 07/03/2021

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là một trong những chính sách đặc thù của Đà Nẵng, mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Các kỹ sư làm việc tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao). Ảnh: KHANG NINH
Các kỹ sư làm việc tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao). Ảnh: KHANG NINH

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, trong bối cảnh dịch bệnh năm 2020, nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ để vượt qua khó khăn, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường là doanh nghiệp từng có 3 lần nhận hỗ trợ đổi mới công nghệ của thành phố cho các dự án nghiên cứu, chế tạo thiết bị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng. Cuối tháng 2 vừa qua, công ty đã được trao hỗ trợ đổi mới công nghệ cho dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy lốc thép tấm dày 20-80mm”. Đây là đơn vị cơ khí đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu chế tạo máy lốc thép tấm dày đến 80mm, có thể tạo sản phẩm chất lượng quốc tế, thay thế máy nhập ngoại. Riêng phương pháp chế tạo trục lô có độ bền cao hơn 1,5 lần so với trục thông thường, có độ chống cong, chống uốn xoắn và chống nứt gãy tốt đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho hay, nếu được phát triển rộng rãi, phương pháp này có thể là cơ sở thu nhỏ kích thước rất nhiều máy móc thiết bị, giảm chi phí và tăng độ bền; từ đó, giảm tiêu thụ sắt thép, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của Đà Nẵng tập trung hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty CP Công nghệ QCM.      					                      Ảnh: Công ty cung cấp
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của Đà Nẵng tập trung hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty CP Công nghệ QCM. Ảnh: Công ty cung cấp

Hiện nay, các thiết bị lốc thép tấm tạo ra các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về kích cỡ, chất lượng cho các dự án điện gió, thủy điện... phần lớn được nhập từ nước ngoài với giá thành cao; việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị gặp nhiều khó khăn. Do đó, chế tạo thành công và làm chủ công nghệ máy lốc thép tấm dày 20mm-80mm đã góp phần tạo ưu thế cạnh tranh cho công ty trong quá trình đàm phán các hợp đồng chế tạo, sản xuất. Ông Giang nói: “Việc được nhận hỗ trợ từ thành phố là một trong những động lực lớn lao để chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và mang đến cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng cao”.

Cũng trong cuối tháng 2 vừa qua, Công ty CP Công nghệ QCM (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang) được trao hỗ trợ đổi mới công nghệ cho dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nướng bánh từ trường”. Đây là dây chuyền nướng bánh quy mô công nghiệp, hiện đại được tích hợp nhiều yếu tố công nghệ tiên tiến, sử dụng từ trường với tần số cao tạo ra nhiệt để nướng bánh, dễ dàng sử dụng với giao diện đơn giản, điều khiển tự động bằng phần mềm tiếng Việt.

Ông Nguyễn Thành Chương, Giám đốc Công ty QCM bày tỏ, sau khi chế tạo hoàn thiện dây chuyền nướng bánh công nghệ từ trường, công ty đã thương mại hóa thành công sản phẩm. Theo đánh giá từ khách hàng, máy nướng bánh từ trường hoạt động ổn định, giúp tăng năng suất 1,5 lần, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi so với máy nướng bánh trước đây. Việc sử dụng máy nướng bánh từ trường góp phần cải thiện môi trường làm việc (giảm nhiệt độ môi trường so với sử dụng điện và gas; giảm áp lực cho hệ thống thông khí nhà xưởng sản xuất), giảm nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe công nhân, tiết kiệm năng lượng và giảm khả năng cháy nổ. Ông Chương cho biết: “Dùng từ trường tạo ra nhiệt để nướng, sấy là công nghệ mới tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Công nghệ này có thể phát triển và ứng dụng trong nhiều loại máy móc tương tự phục vụ ngành nông nghiệp, sản xuất thực phẩm”.

Được triển khai từ năm 2016, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của Đà Nẵng tập trung hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ. Những chính sách này đã được triển khai hiệu quả trong thực tế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, thay thế được hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã hỗ trợ 34 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giải ngân kinh phí hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động đổi mới công nghệ như: Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty CP Công nghệ QCM, Công ty CP Điện Trường Giang, Công ty CP Công nghệ Đức Huy, Công ty CP Nhôm kính Nam Ân, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thành Lợi... Đây là những đơn vị đi đầu trên địa bàn thành phố trong hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, chế tạo máy móc thiết bị công nghệ, mua thiết bị công nghệ phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.

               (Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ)


 

Theo baodanang.vn