Bộ GD&ĐT: Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học

14:04, 16/03/2023

Về mặt chính sách, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở Việt Nam đã tiếp cận với các chuẩn của khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư hạn chế, chất lượng đào tạo sau đại học trên thực tế không đồng đều trong toàn hệ thống. Trước thực tế nói trên, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện đồng bộ những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác đào tạo sau đại học.

Chất lượng đào tạo sau đại học còn nhiều hạn chế

Hiện nay, có thể thấy về mặt chính sách, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở Việt Nam đã tiếp cận với các chuẩn của khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư hạn chế, chất lượng đào tạo sau đại học trên thực tế không đồng đều trong toàn hệ thống.

Bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của nhiều cơ sở đào tạo với các kết quả nghiên cứu trong quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là những công trình khoa học cơ bản, đáp ứng hiệu quả yêu cầu, tính cấp thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước thì ở một số cơ sở đào tạo khác, chất lượng đào tạo lại có chiều hướng đi xuống.

Hạn chế về chất lượng đào tạo có thể kể đến việc chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế đào tạo; chất lượng nhiều công bố khoa học bắt buộc chưa cao, chỉ ở mức đối phó đủ điều kiện công trình; nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án; thông qua một số đề tài luận án tiến sĩ có phạm vi quá hẹp, không bảo đảm giá trị khoa học...

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học

Trước thực tế nói trên, để nâng cao chất lượng công tác đào tạo sau đại học, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã rà soát và ban hành các văn bản liên quan nhằm đẩy mạnh tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đối với chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tăng cường công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng và công tác kiểm tra giám sát của các bên liên quan, bao gồm:

Quy định về điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BGD&ĐT ngày 18/1/2022);

Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (ban hành kèm theo Thông tư số 03/2022/TT-BGD&ĐT ngày 18/1/2022); Chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BGD&ĐT ngày 22/6/2021);

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGD&ĐT ngày 28/6/2021); Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ (ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGD&ĐT ngày 30/8/2021).

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 2199/BGD&ĐT-GDĐH ngày 27/5/2022 chỉ đạo các cơ sở đào tạo về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, tập trung vào những nội dung sau:

Kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; tăng cường kiểm định các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; định kỳ rà soát, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu;

Thực hiện nghiêm các quy định trong quy trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng, trong đó đặc biệt lưu ý việc xét duyệt đề tài, định hướng và nội dung nghiên cứu bảo đảm đáp ứng yêu cầu về giá trị khoa học và thực tiễn.

Thành Nam (T/h)