Bộ GD&ĐT thách thức trong đào tạo trực tuyến xoay quanh hạ tầng công nghệ

Minh Phương 16:02, 18/04/2020

Việc triển khai đào tạo trực tuyến bước đầu đã bộc lộ những ưu điểm cũng như hạn chế của hình thức đào tạo này.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Đào tạo trực tuyến của giáo dục đại học trong đại dịch Covid-19 do Bộ GDĐT chủ trì với sự tham gia kết nối của hơn 300 điểm cầu gồm các cơ sở giáo dục đại học, nhà cung cấp công nghệ, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam và thế giới.

Trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hơn 100 cơ sở giáo dục đại học đã triển khai đào tạo trực tuyến, với các cấp độ khác nhau. Việc triển khai đào tạo trực tuyến bước đầu đã bộc lộ những ưu điểm cũng như hạn chế của hình thức đào tạo này.

Theo Bộ GDĐT, thách thức, hạn chế trong đào tạo trực tuyến xoay quanh hạ tầng công nghệ; quy trình, kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo; kỹ năng dạy học trên môi trường mạng của giảng viên, sinh viên. Bên cạnh đó, giảng viên, sinh viên có thể đối diện với một số rủi ro về an toàn, an ninh thông tin cùng những nguy cơ tiềm ẩn từ Internet và mạng xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hơn 100 cơ sở giáo dục đại học đã triển khai đào tạo trực tuyến, với các cấp độ khác nhau.

Bộ GDĐT cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục ban hành những văn bản để hoàn thiện hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến. Trong đó, xem xét đưa phương thức đào tạo trực tuyến vào quy chế đào tạo đại học sửa đổi với tỷ lệ phần trăm thích hợp.

Bộ cũng sẽ sớm ban hành quy chế bảo đảm chất lượng các chương trình đào tạo từ xa và xây dựng đề án phát triển đào tạo từ xa cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy kết nối để cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp hợp tác tốt hơn trong tương lai.

Theo Bộ, các cơ sở giáo dục đại học cần xác định rõ mục tiêu, nhu cầu, khả năng, từ đó chủ động hợp tác với doanh nghiệp và đầu tư hợp lý cho đào tạo trực tuyến. Lãnh đạo các trường nhân cơ hội này huy động cả bộ máy đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, thực chất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong giáo dục.

Bộ đề nghị các doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện cam kết trong thời gian nhanh nhất bởi cơ hội thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục mở ra cơ hội đầu tư rất lớn cho doanh nghiệp.

Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GDĐT) sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông giám sát quá trình thực hiện cam kết của doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Tham dự Hội nghị, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp kịp thời báo cáo những vướng mắc để hai Bộ có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.

Minh Phương (TH)