Bỏ Google, tiến sĩ khoa học về Việt Nam làm giải mã gen từ nước bọt

14:18, 04/10/2020

Có một người Việt đam mê trí tuệ nhân tạo (AI) đã rời Google để khởi nghiệp Genetica với mong muốn phân tích gen cho chính người Việt Nam.

Genetica cam kết chỉ cần một mẩu nước bọt, người xét nghiệm chờ thêm 60 ngày nữa là biết được họ cần phải ăn món gì để bổ sung vi chất, hay có khả năng gặp loại bệnh lý nào trong tương lai… Người đồng sáng lập và CEO của Genetica là tiến sĩ Cao Anh Tuấn.

Anh Cao Anh Tuấn lấy bằng Tiến sĩ về khoa học máy tính của Đại học Cornell (Mỹ). Ba năm sau đó, anh chính thức làm việc cho Google, ở bộ phận ứng dụng AI sau nhiều năm cộng tác. Nhưng sau đó, anh đã rời Google để đến với một cơ duyên mới: Genetica.

Tiến sĩ trẻ này vừa có những chia sẻ trong talkshow Nguy - cơ do Vnexpress tổ chức về câu chuyện xung quanh Genetica.

Bỏ Google, tiến sĩ khoa học về Việt Nam làm giải mã gen từ nước bọt - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình trong talkshow Nguy - Cơ.

Giải mã gen là gì?

Giải mã gen ở Việt Nam là phạm trù khá mới mới mẻ. Hiểu nôm na, các bệnh lý của con người, bên cạnh những tác động bên ngoài, còn xuất phát từ thông tin di truyền để lại trong từng mã ADN của từng người. Không có bộ ADN nào là giống nhau, vì vậy, có người dễ mắc bệnh lý này, có người lại gặp phải bệnh lý khác.

Khi làm về gen của người châu Á, nhất là người Việt Nam, tiến sĩ Cao Anh Tuấn thấy rằng, một lượng lớn của người Việt khả năng hấp thụ Vitamin A thấp. Những gen đó nếu lỗi thì rất khó trong vấn đề chuyển hóa. Ví dụ, có người ăn ăn một kg cà rốt chưa chắc đã hấp thụ Vitamin A bằng một miếng cá hồi. Hay nhiều bố mẹ phàn nàn rằng, sao con mình cũng ăn khẩu phần ăn như con nhà hàng xóm nhưng bác sĩ lại kê rằng con mình thiếu Vitamin A…. Đó là do gen.

Chỉ cần một mẩu nước bọt, người xét nghiệm chờ thêm 60 ngày nữa là biết được họ cần phải ăn món gì để bổ sung vi chất, hay có khả năng gặp loại bệnh lý nào trong tương lai

“Ai đó có thể sống hạnh phúc hơn khi hiểu rõ hơn về chính bản thân mình”, tiến sĩ Cao Anh Tuấn nói trong talkshow.

Mong muốn giải mã gen của người châu Á và người Việt

Tiến sĩ Cao Anh Tuấn từng chia sẻ với báo giới rằng, một trong những cơ duyên để đưa anh đến với Genetica là người thân có tiền sử về tai biến mạch máu não. Nhưng cơ duyên mạnh mẽ hơn, đó là vì anh kết hôn với cô gái người Việt. Cô gái này đặc biệt ở chỗ: Cô là Bùi Thanh Duyên - tiến sĩ ngành hóa sinh, phân tử và sinh học tế bào tại Đại học Cornell, sau này là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về cơ chế gen tại Trường Y khoa thuộc Đại học California.

Vốn là chuyên gia về Big Data và AI, không có chuyên môn về y tế, gen di truyền, nhưng người vợ đã cổ động anh để tạo ra sự kết hợp giữa y tế và công nghệ AI. Với sự kết hợp của các chuyên gia khác cũng trong ngành y tế đến từ các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, anh Cao Anh Tuấn đã rời Google để phát triển Genetica.

Tiến sĩ Cao Anh Tuấn cùng cộng sự đã dấn thân thương trường, mong muốn giải mã gen của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, đưa bản đồ gen Việt Nam vào bản đồ giải mã gen thế giới. Tháng 8/2019, Genetica chính thức được thành lập tại Việt Nam với dự định sẽ được đưa tới các quốc gia ở Đông Nam Á và trở thành công ty giải mã gen hàng đầu của khu vực này.

Tiến sĩ Anh Tuấn chia sẻ, công nghệ giải mã gen của Genetica được chứng nhận bởi Allumina, tổ chức giải mã gen hàng đầu thế giới.

Tiềm năng thị trường rất lớn và càng nhiều người tham gia mảng thì thị trường càng sôi động

Công nghệ phân tích về gen đã xuất hiện từ lâu ở những nước phát triển. Nhưng tiến sĩ Cao Anh Tuấn nhận định, những nghiên cứu trên thế giới đa phần đều được thực hiện dựa trên các bộ mẫu là người da trắng. Trong khi đó, cấu trúc gen giữa các chủng người lại khác nhau. 

Anh Tuấn cùng cộng sự tập trung vào phân tích gen của người Việt và người châu Á. Trước đây, anh cùng cộng sự tập trung vào gen liên quan đến hệ miễn dịch nhưng sau đó, phát triển thêm về phân tích gen đột quỵ và tiểu đường.

Genetica có mặt tại Việt Nam được 13 tháng và đã có khoảng hơn 10.000 dịch vụ đến tay người dùng. “Ở Mỹ, con số này sẽ khó đạt được trong một thời gian tương ứng”, tiến sĩ Cao Anh Tuấn nhận định.

Anh cho biết thêm, nhiều nhóm nghiên cứu khác về gen cũng đang hoạt động tại Việt Nam và đó là tín hiệu vui. “Khi mà nhiều nhóm nghiên cứu, công ty muốn giải mã gen thì thị trường sẽ sôi động hơn. Và điều này cũng thúc đẩy mong muốn của người dùng hơn. Đồng thời, góp phần giúp người dùng hiểu thêm về việc vì sao phải giải mã gen, lợi ích mang lại. Tất cả những điều này, một mình Genetica làm không đủ”, nhà đồng sáng lập Genetica nhận định.

Anh cũng hy vọng, xu hướng giải mã gen ở Mỹ, châu Âu sẽ tràn về Đông Nam Á.

Nhà đồng sáng lập Genetica cho biết “vũ khí” của công ty chính là công nghệ. Công ty rất may mắn khi trở về Việt Nam, được hỗ trợ nhiều từ Chính phủ, từ cơ quan ban ngành. Sự may mắn đó sẽ không xảy ra ở thị trường khác. Do đó, công nghệ là “bảo bối” của Genetica. Lúc đó, công nghệ giúp tạo ra sự khác biệt ở các thị trường khác.

Giải thích về công nghệ, anh Anh Tuấn cho rằng, nếu công nghệ bắt chước được thì công nghệ đó cần phải phát triển hơn nữa. Còn nếu đã đi vào lõi và vững công nghệ thì những người khác muốn sao chép sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Genetica phân tích rất nhiều gen. Nhiều đặc điểm không phải một gen gây ra mà là tổ hợp của trăm nghìn biến thể. Bản thân Genetica tự sản xuất, thiết kế con chíp giải mã gen cho người châu Á và có sự hợp tác với các công ty uy tín trong ngành.

Nhưng cũng như các doanh nghiệp khác, Genetica cũng phải đối mặt với Covid-19.

Covid-19 giống như một cú phanh

Tiến sĩ Cao Anh Tuấn cho rằng đối với Genetica, Covid-19 giống như một cú đạp phanh. Mục tiêu của Genetica là mở rộng ra Đông Nam Á. Khi Covid-19 xảy ra, Genetica đã thành lập công ty ở Singapore. Việc đi lại khó khăn nên công ty quyết định chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam.

“Ở Mỹ có câu rất hay: Bạn phát triển lớn mạnh hoặc quay trở về. Nhưng khi Covid-19 xảy ra và chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam có nhiều lợi thế, thì chúng tôi nói chuyện lại với mọi người rằng: Chúng tôi trở về Việt Nam để lớn mạnh”, tiến sĩ Cao Anh Tuấn chia sẻ trong talkshow.

Tiến sĩ Tuấn thừa nhận dù thiệt hại không lớn nhưng công ty đã lên kế hoạch rồi và mọi kế hoạch phải chững lại. Đây coi như một cú vấp ngã và công ty cần phải đứng dậy, vượt qua.

Nhà đồng sáng lập Genetica cũng thừa nhận rằng, trong nguy có cơ, Covid-19 ập đến, Genetica tập trung vào thị trường Việt Nam nên cũn đã lập được phòng thí nghiệm tại Khu Công nghệ cao để từng bước xây dựng phòng thí nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.

Ở Đông Nam Á, hiện giờ chỉ có duy nhất một phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn Mỹ, đặt tại Singapore và tập trung chủ yếu cho nghiên cứu. Các thí nghiệm của phòng thí nghiệm này được hầu hết thế giới công nhận.

Genetica mong có phòng thí nghiệm không chỉ phục vụ cho thị trường Việt Nam mà cả Đông Nam Á.

Theo Đỗ Lan/toquoc.vn