Bộ KH&ĐT đẩy mạnh nâng cao nhận thức kỹ năng số, tương tác với người dân

11:00, 19/01/2021

Nhằm tiếp tục thúc đẩy, phát triển các ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử (CPĐT), Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) vừa ban hành Quyết định số 1922/QĐ-BKHĐT phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số (CĐS), hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo ATTT mạng.

Đồng thời, Kế hoạch cũng đặt mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, tạo nền tảng phát triển CNTT tại Bộ, tích hợp, kết nối hệ thống thông tin, CSDL trong bộ và các hệ thống thông tin khác.

Hoàn thiện hệ thống ATTT theo mô hình 04 lớp

Cụ thể, kế hoạch nêu rõ, đối với các ứng dụng trong các hoạt động phải đảm bảo: CNTT nội bộ (100% hồ sơ lưu trữ, thư điện tử được xử lý trên môi trường điện tử, mạng (nội dung không mật); Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ…); CNTT phục vụ người dân, DN (Đảm bảo 100% các DVC trực tuyến mức độ 3,4; phát triển ứng dụng CNTT trên lĩnh vực đấu thầu, đăng ký DN, đầu tư nước ngoài…); CNTT phục vụ cơ quan Nhà nước (Tích hợp, chia sẻ CSDL của Bộ với CSDL các đơn vị, ban ngành, địa phương; triển khai các ứng dụng CNTT toàn diện…).

Riêng đối với việc đảm bảo ATTT, sẽ tập trung triển khai các giải pháp điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng, phòng chống mã độc tập trung và triển khai, hoàn thiện hệ thống ATTT theo mô hình 04 lớp…

Bên cạnh những yêu cầu trên, kế hoạch cũng chỉ ra các nhiệm vụ cần thực hiện như:

Hoàn thiện môi trường pháp lý: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đấu thầu qua mạng; xây dựng chiến lược của Bộ phù hợp với Chiến lược quốc gia; xây dựng triển khai danh mục kế hoạch triển khai cung cấp dữ liệu mở…

Bộ KH&ĐT đẩy mạnh nâng cao nhận thức kỹ năng số, tương tác với người dân - Ảnh 1.

Trung tâm Điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đi vào vận hành trong năm 2020.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật: Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật, đảm bảo các thiết bị công nghệ được kết nối Internet; chuyển đổi mạng Internet sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)…

Phát triển các hệ thống nền tảng: Hoàn thiện kho lưu trữ dữ liệu Data Warehouse, Hệ thống tài khoản tập trung; xây dựng, duy trì hoạt động hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ (LGSP)…

Phát triển dữ liệu: Từng bước cung cấp dữ liệu mở của Bộ trên môi trường mạng; hoàn thiện các CSDL chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ…

Phát triển nguồn nhân lực: Chủ động nghiên cứu, hợp tác, phát triển nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ; cử cán bộ đại diện tham gia các Chương trình đào tạo, tập huấn đội ngũ chuyên gia CPĐT, CĐS…

Các giải pháp triển khai

Để thực hiện hiệu quả các nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ trên, kế hoạch cũng nêu ra các giải pháp cụ thể cần tập trung triển khai:

Đẩy mạnh công tác tuyền thông, nâng cao nhận thức kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN (xây dựng các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật…); phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp (triển khai việc thuê dịch vụ CNTT, tạo điều kiện cho các DN cung cấp sản phẩm ứng dụng CNTT); nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả công nghệ (phối hợp với ADB/WB đẩy mạnh đấu thầu qua mạng; triển khai hệ thống e-GP mới…); thu hút nguồn lực CNTT.

Bên cạnh đó, Quyết định cũng nêu rõ lộ trình thời gian thực hiện gồm: Giai đoạn 2021 -2022 (hoàn thiện cơ bản các ứng dụng), giai đoạn 2023-2025 (triển khai, nâng cấp, phát triển các ứng dụng đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra).

Kinh phí thực hiện sẽ sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn vốn kinh phí khác. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các danh mục nhiệm vụ, dự án.

Theo ictvietnam