Bộ trưởng Bộ TT & TT Lê Doãn Hợp: Trả lời trực tuyến xung quanh câu hỏi về Trạm BTS có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

16:19, 08/08/2008

XHTTOnline: Hiện nay các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các trạm BTS vẫn bị người dân cản trở, lý do lại từ những bài báo (ví dụ: Bài “xung quanh tác động xấu của sóng cao tần từ các trạm BTS – Đừng vì lợi nhuận mà coi thường sức khoẻ con người” đăng trên báo “Sức khoẻ & đời sống – Số 122, ra ngày 31/7/2008 của tác giả TS Y Khoa Đào Kỳ Hưng) đã gây nên lo lắng, bức xúc cho nhân dân không chỉ một xã, thậm trí một huyện. Kính thưa Bộ trưởng! - Với cương vị quản lý nhà nước về viễn thông, tần số vô tuyến điện Bộ trưởng có ý kiến như thế nào? - Với cương vị là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí Bộ trưởng có ý kiến gì? Trân trọng cám ơn Bộ trưởng. Đỗ Anh Tuấn – UBND TP Thanh Hoá. Trả lời: Việc người dân quan tâm đến sức khỏe là sự lo lắng chính đáng. Trên thế giới , tính đến nay có khoảng 3,5 tỷ máy di động và các mạng di động này đều sử dụng cấu trúc tế bào có nghĩa là với một khoảng cách nhất định cần có một trạm thu phát sóng (BTS) để phục vụ các máy di động trong khu vực. Đối với quốc tế, các tổ chức quốc tế có liên quan đã tổ chức nghiên cứu và có các văn bản khuyến nghị về vấn đề này, đặc biệt là tổ chức Who, ủy ban Quốc tế về phòng chống Bức xa phi ion hóa (ICNIRP) và Liên minh viễn thông Quốc tế (ITU). Các nghiên cứu này đều kết luận: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh huwongr có hại cho sức khỏe”. Kết quả nghiên cứu cũng xác định mức độ an toàn (gọi là mức phơi nhiễm trường điện từ an toàn) đối với khu vực sinh sống của người dân. ở Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-2005 “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio- Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong giải tần 3 kHz đến 300 GHz”. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có Quyết định số 19/2006/QDD-BBCVT ngày 15/6/2006 quy định bắt buộc áp dụng TCVN 3718-1:2005 đối với trạm thu phát thông tin di động. Với việc bắt buộc áp dụng TCVN này, trị giá mật độ dòng năng lượng (S) quy định đối với các BTS là 2w/m2. Trị giá này nghiêm ngặt hơn khi so sánh với các giới hạn của một số tổ chức và một số nước: ủy ban Quốc tế về phòng chống bức xạ ion hóa (CNIRP) là 4,5w/m2, Mỹ, Nhật Bản là 6 w/m2; Anh là 32w/m2. Bộ cũng ban hành tiêu chuẩn ngành TCN 68-255:2006 về phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ, ban hành các quyết định về kiểm định công trình viễn thông (có hiệu lực từ ngày 1/1/2007), theo đó từng trạm BTS phải được kiểm định, nếu tuân thủ TCVN 3781-1:2005 thì mới được hoạt động. Riêng các BTS đã xây dựng trước 1/1/2007 cần phải được lập kế hoạch kiểm định. Như vậy, nhằm bảo vệ người dân sống quanh trạm thu phát vô tuyến khỏi ảnh hưởng của phơi nhiễm vô tuyến điện. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định mức giới hạn an toàn (xác định theo mức phơi nhiễm của TCVN 3718-1:2005) và quy định các trạm thu phát thông tin di động phải đảm bảo thông qua hình thức quản lý là kiểm định công trình viễn thông. Ngoài ra theo yêu cầu của người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức đo kiểm để xác minh mức độ phơi nhiễm tại các địa điểm nhạy cảm. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có các giải thích, hướng dẫn để người dân hiểu biết sâu hơn về vấn đề này, giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại của nhiều tổ chức, cá nhân xung quanh các vấn đề này. Bộ cũng đã có các văn bản hướng dẫn các Sở Thông tin Và Truyền thông và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động thực hiện theo đúng các quy định để đảm bảo an toàn. PV Tiến sĩ Phạm Ngọc Châu, Phó chủ nhiệm khoa Vệ sinh y học môi trường Học viện Quân y, trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 6/8/2008 Thưa Tiến sỹ Phạm Ngọc Châu, Phó chủ nhiệm khoa Vệ sinh y học môi trường Học viện Quân y, hiện nay có một số bộ phận dân cư lo ngại về việc các trạm BTS của các mạng điện thoại di động có hại đến sức khoẻ con người. Vậy dưới góc độ y học, Tiến Sỹ có nhận định thế nào về vấn đề này? Các trạm thu phát sóng BTS của hệ thống viễn thông mà các nhà cung cấp dịch vụ di động đang sử dụng là những nguồn khác bức xạ điện từ tần số radio. Nói về bức xạ điện từ radio là một lĩnh vực rộng rất rộng, nhưng nó không phải là phổ biến lắm. Có nhiều nguồn có công suất lớn hơn, tác hại nhiều hơn, nhưng người dân không biết như các trạm thu phát rada của hàng không, rada trong các hoạt động quân sự, rada dẫn đường hay cảnh giới, hay nguồn khác trong luyện kim, công nghiệp chế biến thực phẩm, rất hay dùng nguồn khác bức xạ điện từ để sử dụng năng lượng cho công tác phát hiện định vị hay nấu thép, xử lý thực phẩm. Đó là những nguồn bức xạ có công suất rất lớn và tần số đa dạng, đương nhiên, tác hại là có mức phơi nhiễm nhất định. Các trạm BTS cũng có nguồn bức xạ điện từ tần số radio, nhưng có đặc thù riêng: tần số giới hạn và công suất. Các tác hại đều phụ thuộc vào mức phơi nhiễm, VD: nọc rắn độc, pha loãng thì thành thuốc, nhưng nếu bị rắn cắn thì có thể gây chết người. Vậy khái niệm có hại hay không có hại phải được phân tích rất kỹ. Vậy cụ thể trong trường hợp các trạm BTS, mức độ ô nhiễm ở ngưỡng ntn và theo các nghiên cứu thì có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người hay không? Trước hết, muốn nói đến tác hại, phải nói 1 cách hệ thống là Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này từ năm 1978, chứ không phải đến bây giờ mới đặt câu hỏi đó. Sau 1975, chúng ta đã tiếp quản 1 hệ thống viễn thông của chính quyền Sài gòn để lại, rải từ Phú Lâm, TP. HCM ra đến Đà Nẵng. Đó là hệ thống viễn thông liên kết… vì thế ngay từ thời đó, sau khi tiếp quản, chúng ta đã đặt vấn đề về ảnh hưởng của nguồn bức xạ này tới những người làm việc trực tiếp, cụ thể là tới anh em bộ đội thông tin và những người dân ở xung quanh. Ngoài ra, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, quân đội ta cũng có rất nhiều đơn vị tên lửa, rada. Có thể nói có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề những trắc thủ có ảnh hưởng đến việc có con hoặc chậm sinh, hay thậm chí là vô sinh, và còn có nhiều lo ngại xung quanh vấn đề đó. Ngay từ năm 1978, Bộ Quốc phòng đã giao cho chúng tôi nghiên cứu tác hại của hệ thống viễn thông liên kết. Đến năm 1982, Nhà nước có một chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước có mã số 5801, nghiên cứu về tất cả các điều kiện an toàn lao động cho những người phải tiếp xúc với những yếu tố bất lợi. Trong đó có 1 vấn đề trong 6 vấn đề của chương trình, là nghiên cứu bức xạ tần số radio, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, ảnh hưởng tới những người tiếp xúc và đề xuất các giải pháp bảo vệ. Khi ấy tôi là thư ký, theo dõi trực tiếp làm đề tài này từ năm 1982 được bảo vệ trước (khi ấy gọi là) Uỷ ban Khoa học Nhà nước năm 1986, sau đó đã có 1 số văn bản đã được công bố. Điều này cho thấy chúng ta đã nghiên cứu khá hệ thống, từ khá sớm vấn đề này. Chúng tôi đã nghiên cứu việc bức xạ điện từ tần số radio với những công suất khác nhau, của các đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị rada, cảnh giới, trong sân bay, thuộc quân đội… Nói như vậy cho thấy chúng tôi đã nghiên cứu khá kỹ các nguồn bức xạ điện từ ở các tần số, các công suất khác nhau, kể cả nghiên cứu các nguồn khác… Khảo sát mức phơi nhiễm của nguồn điện từ tần số radio ở các tần số khác nhau, ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ, bao gồm các vấn đề về cơ cấu bệnh tật, ảnh hưởng trên các chỉ số về sinh hoá, huyết học, ảnh hưởng của bức xạ siêu cao tần trên các nhóm được xem là tác hại lớn nhất trên 500 cặp bố mẹ, gia đình có tuổi đời làm việc ít nhất là 3 năm với nguồn bức xạ này, có gia đình 1 người có liên quan, có gia đình cả vợ cả chồng cùng làm việc trong môi trường đó. Đánh giá tỷ lệ sinh con gái đầu lòng, tỷ lệ sẩy thai tự nhiên, tỷ lệ dị tật bẩm sinh. Song song với đó Học viện Quân y lúc đó cũng tổ chức thực nghiệm trên chuột lang, … Có thể nói đấy là nghiên cứu khá công phu và toàn diện, kể cả về lâm sàng, về cộng đồng và mô hình trong thực nghiệm. Bản thân các trạm này cũng là các nguồn bức xạ điện từ tần số radio với các dải tần trong giới hạn 2GHz. Còn các trạm thu phát sóng rada có công suất lên tới 30GHz. Vậy các nguồn năng lượng phơi nhiễm ra các đối tượng phụ thuộc rất nhiều vào các tần số. Với nguồn bức xạ công suất lớn sẽ có những tác động nhất định đến sức khoẻ, như ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật, biến đổi sớm trong công thức máu ngoại vi… Tuy nhiên đây là những đối tượng bị phơi nhiễm cao, là những công nhân làm việc trong các nhà máy sản xuất rada, các đơn vị vận hành rada tên lửa. Thiết bị thu các trạm BTS hiện nay rất hiện đại, chỉ cần nguồn năng lượng rất nhỏ đã thu được sóng, nên mức độ năng lượng phát ra là rất nhỏ bé, nên không thể gây ra tác hại lớn đến sức khoẻ như thay đổi công thức máu hay tác động vào hệ thần kinh thực vật. Tuy nhiên người dân hay bị thu hút vào ăng ten chứ lại không để ý đến chiếc điện thoại di động, mà chính là thiết bị vừa thu vừa phát, vẫn dùng hàng ngày. Cũng như nhiều quốc gia khác, chúng tôi đang triển khai dự án nghiên cứu tiếp theo về vấn đề này. Xin cảm ơn TS./. Tiến sĩ Phạm Công Hùng, giảng viên khoa Điện tử Viễn thông trường Đại học Bách Khoa HN, thành viên Ban kỹ thuật – Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (0903403900) trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình VN ngày 6/8/2008 Cách đây 30 năm chúng tôi đã làm việc với Cục vệ sinh an toàn lao động thuộc Tổng liên đoàn lao động về vấn đề ảnh hưởng của sóng điện từ tới sức khỏe con người. Thời điểm trước đây chưa có điện thoại di động sóng điện từ chủ yếu là từ phát thanh, truyền hình. 10 năm trở lại đây điện thoại di động phát triển. Tôi cho rằng trước sau câu hỏi sóng điện từ có ảnh hưởng tới sức khỏe con người sẽ được đặt ra. Xã hội càng phát triển bao nhiêu, càng văn minh bao nhiêu thì trong môi trường sống càng có nhiều sóng điện từ. ở các đô thị, vấn đề này càng tăng lên. Để có câu trả lời, trước hết chúng tôi đã làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường (trước đây), thành lập nhóm nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn của các nước công nghiệp phát triển, những nước đã đi trước chúng ta về vấn đề này như Mỹ , EU, Nga, Nhật Bản, Singapore... để xem họ giải quyết vấn đề này ở đô thị ra sao, các tiêu chuẩn an toàn như thế nào. Bài toán ấy chúng tôi đã làm và chúng tôi xin giới thiệu Tiêu chuẩn Việt Nam về vấn đề này của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Chúng tôi biên soạn riêng tiêu chuẩn trong lĩnh vực di động vào năm 2005 sau khi tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Phải nói tiêu chuẩn của Việt Nam không thua kém gì các nước. Đây là căn cứ để chúng ta đặt tiêu chuẩn phát triển của chúng ta phù hợp với bước đi chung của toàn cầu, tránh được các vấn đề mà những người đi trước đã gặp phải. Việt Nam đang phát triển ở lĩnh vực thông tin di động một cách nhanh chóng với 6 công ty cung cấp dịch vụ di động và 01 Công ty thứ 7 vừa được cấp phép. Theo con số tôi được biết, nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội là số trạm BTS của Viettel là 600 trạm, MobiFone hơn 400 trạm, VinaPhone hơn 500 trạm. Ngoài ra, còn có các trạm BTS của S-Fone, HT Moblie và EVN Telecom. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, chúng tôi đã lựa chọn các trạm công suất không lớn nhưng tần số thì như tiêu chuẩn toàn cầu. Điều này giúp chúng ta có thể mua thiết bị rẻ và người dân có thể mua máy đầu cuối ở bất kỳ nơi nào đều có thể sử dụng được. Các trạm BTS của Việt Nam công suất trung bình, mức phát tối đa ở vùng sâu vùng xa là 5 km còn trong địa bàn thành phố mức phát thấp hơn rất nhiều. Hiện nay các công ty di động ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng … đã gắn gần hết các trạm BTS cho phép vì nếu gắn nhiều quá, các trạm sẽ gây nhiễu nhau, không hoạt động được. Theo tôi, 6 công ty di động với Việt Nam cũng là quá nhiều. Mỗi công ty đều phải cắm đủ số trạm của mình mới phục vụ được người dân. Với nhiều công ty cung cấp dịch vụ như vậy thì việc người dân lo lắng cũng là dễ hiểu. Bởi vậy, chúng tôi đã tính đến vấn đề làm đến đâu thì có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, phải nói rằng, nếu tính tổng số máy di động trên dân số thì chúng ta còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ phải phát triển thêm rất nhiều thuê bao chứ không phải như thế này. Đó cũng là quy luật phát triển chung của nền kinh tế. Hiện nay, hầu hết học sinh, người lao động bình thường cũng có thể dùng điện thoại di động phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc. Đây là điều đáng mừng nhưng điều đó có nghĩa là số lượng sóng di động cũng sẽ phải tăng thêm. Năm 2005, chúng tôi đã nghiên cứu thế nào là mức bức xạ từ BTS trong ngưỡng an toàn và mức đó phải được đo như thế nào, cách đo cũng phải đúng chuẩn. Về an toàn của người dân chúng, tôi thấy công suất phát sóng của trạm di động nhỏ hơn rất nhiều so với đài truyền hình và đài phát thanh. Một trạm di động chỉ có vài chục W còn đài truyền hình và phát thanh đến mấy chục KW. Thứ hai nữa là tần số của các trạm di động không phải là tần số lớn. Quốc tế quy định rất cụ thể mức độ thâm nhập trên 1kg trọng lượng hay trên 1cm2 diện tích cơ thể chúng ta bao nhiêu là an toàn cho sức khỏe. Chúng tôi nghiên cứu quy định của WHO và tiêu chuẩn của các nước để đưa ra tiêu chuẩn Việt Nam. Thực ra, phần sóng điện từ nhiều nhất, phổ biến nhất là sóng radio. Chúng ta bật radio có thể nghe được đài của toàn cầu. Thu được đài có nghĩa là có sóng của đài các quốc gia đã phủ tới Việt Nam. Chúng ta mở đài truyền hình ra là thu được tín hiệu truyền hình, như thế có nghĩa là phải có sóng truyền hình phủ tới. Chúng ta sống trong một môi trường rất nhiều sóng như thế, rồi sóng của hệ thống taxi nữa. Các hệ thống này là một chiều, người ta phát và dân thu bằng các thiết bị thu tín hiệu. Riêng với các trạm BTS hay máy di động đầu cuối có chức năng vừa thu vừa phát. Với máy điện thoại di động, khi ta nghe có nghĩa là thu tín hiệu từ bên kia gọi đến nhưng đồng thời ta cũng phát tín hiệu đi trạm BTS gần đó. Máy điện thoại di động phát tín hiệu lên trạm BTS nhưng đồng thời cũng phát ngay vào đầu chúng ta. Việt Nam đã lựa chọn tiêu chuẩn công suất tối đa cho phép của máy điện thoại di động là 2W. Khi chúng ta đứng xa trạm nhất (chẳng hạn 5 km ở vùng nông thôn cái máy tự động chuyển công suất phát tối đa nhưng khi ta đứng ở trong thành phố nhiều trạm với khoảng cách chừng 350m trở lại, thì lúc đó máy sẽ phát công suất rất nhỏ. Mức phát của điện thoại cầm tay mới là mức phát đáng lo ngại vì nó phát chính vào đầu chúng ta. Trên báo chí các nước Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan cũng có một số ý kiến lo lắng điều này có gây ra u não không, có gây ra mất trí nhớ không…Cho đến bây giờ, chưa có ai phát hiện thấy vấn đề gì nguy hiểm cả. Người ta đã thử nghiệm rất nhiều, theo dõi rất chặt chẽ với nhiều đối chứng giữa người dùng di động và người không dùng di động, tỉ lệ bệnh u não giữa hai nhóm này không thấy sự khác biệt. Trong bản tiêu chuẩn chúng tôi nêu ra đây có mức an toàn là 2,5m; 1,5m và 0,5m. Với khoảng cách đó, cũng quy định thời gian tiếp xúc là bao nhiêu phút. ở các nước, người ta cũng cắm rất nhiều trạm BTS. Riêng Hồng Kông có 13 công ty di động, Singapore có 7 công ty. Đến nay, chưa có ai chứng minh được sóng di động tác động như thế nào đến sức khỏe con người. Thậm chí, chúng tôi khảo sát rất kỹ vì bây giờ có cả trẻ em cũng dùng điện thoại di động, kể cả học sinh cấp hai. Khi phát sóng vào não trẻ em như vậy, có thể gây nguy hiểm hay không. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ nhưng chưa có kết luận nào là có gây hại cả. Cho đến lúc này chúng tôi chưa thấy ý kiến nào cho rằng sóng di động trong khả năng cho phép có thể gây nguy hại. Trong lĩnh vực di động, ở những vùng không gian mở như nông thôn hay quốc lộ sẽ có các trạm phát với công suất tối đa bán kính phủ 5km. Việt Nam không cho nhập các trạm công suất lớn hơn. Trong địa bàn thành phố, công suất còn nhỏ hơn nữa. Lý do là nếu các doanh nghiệp không làm thế, họ không thể tồn tại được vì các trạm di động không thể gây nhiễu cho nhau. Nếu trạm BTS vượt công suất quy định sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Đấy là việc doanh nghiệp không thể làm. Phát thừa công suất sẽ gây nhiễu trạm bên cạnh khiến trạm đó không thể hoạt động được. Kết luận với mức công suất phát theo tiêu chuẩn về quy định thì bà con có thể hoàn toàn yên tâm vì không có bất kỳ tác hại nào của trạm BTS đến sức khỏe. XHTTOnline
TIN LIÊN QUAN