Bộ TT&TT huy động doanh nghiệp công nghệ tham gia đào tạo nhân lực chuyển đổi số

14:32, 24/08/2022

Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lên kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi cho cán bộ các cấp, trong đó, doanh nghiệp công nghệ lớn có thể tham gia với vai trò phối hợp.

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia thuộc Bộ TT&TT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã có kế hoạch trong năm nay sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số cho tối thiểu 10.000 lượt cán bộ nhà nước, phổ cập kỹ năng số cơ bản cho tối thiểu 10 triệu lượt người dân. Các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn này không những giúp thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, mà còn góp phần tạo ra thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Để thực hiện kế hoạch trên, Bộ TT&TT sử dụng cách tiếp cận mới trong bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng. Nếu như trước đây các khóa bồi dưỡng, tập huấn tổ chức trực tiếp với số lượng tham gia hạn chế, thì hiện nay cách làm mới là xây dựng tài liệu số bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu phổ cập kỹ năng và tổ chức các khóa học trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs).

Huy động doanh nghiệp công nghệ lớn đào tạo nhân lực chuyển đổi số cấp xã

Các doanh nghiệp công nghệ sẽ tham gia đào tạo kỹ năng cho các Tổ công nghệ số cộng đồng và trợ giúp địa phương đưa người dân lên môi trường số.

Tính đến hết tháng 6/2022, trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà - MOOCs tại địa chỉ onetouch.mic.gov.vn, Bộ TT&TT đã hoàn thành 3 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương.

Dự kiến, thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác chuẩn bị bồi dưỡng chuyển đổi số cho khoảng 30.000 công chức, viên chức, 200.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân.

Với đối tượng người học là lực lượng nòng cốt ở cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng, Cục Chuyển đổi số quốc gia cho biết, đến nay Bộ TT&TT đã hoàn thành xây dựng tài liệu chuẩn thống nhất cho các khóa huấn luyện, tập huấn chuyển đổi số cho Lãnh đạo UBND cấp xã và các Tổ công nghệ số cộng đồng cùng người dân. Tài liệu chuẩn thống nhất gồm tài liệu chi tiết, tài liệu trình chiếu và các tài liệu khác như phim, đồ họa...

Với mỗi khóa học, bên cạnh hình thức trực tuyến, Bộ TT&TT sẽ tổ chức tối đa 1 ngày học trực tiếp để có điều kiện lắng nghe, trao đổi, giải đáp các thắc mắc của học viên.

Thời gian tới, Bộ TT&TT dự định phối hợp cùng UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tổ chức khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số cho Lãnh đạo UBND cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng, người dân.

Doanh nghiệp công nghệ tham gia đào tạo nhân lực chuyển đổi số

Doanh nghiệp công nghệ tham gia đào tạo nhân lực chuyển đổi số.

Dự kiến, các khóa học tại địa phương sẽ do Sở TT&TT chủ trì tổ chức và doanh nghiệp công nghệ lớn có thể tham gia với vai trò phối hợp. “Hoạt động phối hợp này sẽ góp phần gắn kết doanh nghiệp với các địa phương, đồng thời mở rộng thị trường các sản phẩm, dịch vụ cho người dân của doanh nghiệp”, Bộ TT&TT nhận định.

Liên quan đến phát triển nhân lực số, số liệu của Bộ TT&TT cho hay, đến giữa năm nay, đã có 15/63 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cả nước đã có 47 tỉnh, thành phố thành lập 40.590 Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận các thôn, xóm, với hơn 200.000 thành viên tham gia.

Chia sẻ tại Tuần lễ chuyển đổi số Huế - 2022 mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, có rất nhiều việc cần làm trong quá trình chuyển đổi số song nguồn lực thường ít hơn việc được giao. Để giải quyết thách thức này, triển khai các mô hình tổ công nghệ số cộng đồng với nòng cốt là Đoàn Thanh niên được xác định là một mô hình hiệu quả.

Là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương sẽ tập trung làm 5 việc gồm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến; mua sắm trực tuyến; sử dụng các kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản để bà con lên mạng không bị lừa; và hướng dẫn người dân sử dụng những nền tảng số do các địa phương lựa chọn.

Thành Nam (T/h)