Bức tranh kinh tế Vĩnh Phúc năm 2022

17:21, 04/01/2023

Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới phải đối mặt với những căng thẳng địa chính trị, lạm phát gia tăng, gián đoạn nguồn cung năng lượng cùng các vấn đề về biến đổi khí hậu và tác động kéo dài từ dịch Covid-19 khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế.

Năm 2022, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các điểm nghẽn, nhanh chóng khắc phục khó khăn, khơi thông mọi nguồn lực, đồng thời thực hiện hiệu quả “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ”. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục có bước phát triển toàn diện, về đích các chỉ tiêu vượt kế hoạch, nhiệm vụ đề ra.

Vĩnh Phúc hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế, tạo nền tảng phát triển bền vững - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đón nhận Giải thưởng du lịch thế giới “Tam Đảo - thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” năm 2022 - Ảnh: TTXVN.

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt mức tăng khá, ước tăng 9,54% so với năm trước, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2022, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 17 cả nước về tốc độ tăng GRDP.

Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 153,12 nghìn tỷ đồng, tăng 15,78 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 11,49% so với năm 2021, đứng thứ 6 vùng Đồng bằng Sông Hồng và đứng thứ 14 cả nước. Quy mô GRDP bình quân đầu người ước đạt 127,85 triệu đồng/người, tăng 12,62 triệu đồng/người, tương đương tăng 10,95% so với năm 2021, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và tiếp tục duy trì vị trí thứ 9 cả nước về GRDP bình quân đầu người. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng. Năm 2022, tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 48,99% trong GRDP theo giá hiện hành; khu vực dịch vụ chiếm 21,83%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,21%; thuế sản phẩm chiếm 23,97% (cơ cấu năm 2021 tương ứng là: 47,29%; 21,82%; 5,84%; 25,05%).

Trong xu hướng phục hồi tích cực của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, cùng với sự khởi sắc của các khu vực doanh nghiệp trên cả nước, tình hình gia nhập thị trường của doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt kết quả khả quan, cao gấp 2,7 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và cũng là năm có số doanh nghiệp tham gia thị trường cao nhất kể từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc đến nay.

Theo số liệu thống kê của Tỉnh, tính đến ngày 15/12/2022, toàn Tỉnh có 1.317 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 21.530 tỷ đồng, tăng 12,66% về số doanh nghiệp, tăng 74,51% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tạo thêm 9.950 việc làm cho lao động trong và ngoài Tỉnh. Khu vực dịch vụ và công nghiệp có xu hướng hồi phục mạnh mẽ nhất sau đại dịch với số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất, đạt lần lượt 829 và 477 doanh nghiệp, tăng về vốn đăng ký và số doanh nghiệp thành lập. Bên cạnh doanh nghiệp thành lập mới, số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 392 doanh nghiệp, tăng 15,98% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2022 lên 1.709 doanh nghiệp. Tính trung bình mỗi tháng có 142 doanh nghiệp thành lập mới.

Đáng chú ý, trong bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu có xu hướng sụt giảm do căng thẳng địa chính trị và suy giảm kinh tế thế giới, cùng với đà tăng trưởng tích cực trong thu hút vốn FDI của cả nước, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng là một điểm sáng của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2022 với trên 1,6 tỷ USD vốn FDI sau 2 năm (2020-2021) Covid-19, gần đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn Tỉnh năm 2022 có sự phát triển về số vốn đăng ký mới ở khu vực đầu tư trong nước (DDI) và vốn đăng ký điều chỉnh ở khu vực FDI.

Các dự án thu hút được chủ yếu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 458,23 triệu USD cho 66 dự án, trong đó ngành mũi nhọn là sản xuất linh kiện điện tử với 173,06 triệu USD cho 50 dự án. Trong năm qua, Hàn Quốc là nước dẫn đầu về số dự án mà Tỉnh thu hút được là 40 dự án (18 dự án cấp mới, 22 dự án điều chỉnh vốn đăng ký) với tổng vốn đăng ký là 138 triệu USD, trong khi Nhật Bản là nước có số vốn thu hút trong kỳ cao nhất với 250 triệu USD (đầu tư 04 dự án cấp mới, 09 dự án điều chỉnh vốn đăng ký). Đây tiếp tục là những nhà đầu tư tiềm năng và gắn bó với phát triển kinh tế của Tỉnh trong suốt những năm qua. Các dự án đầu tư của 2 quốc gia này có mặt ở hầu hết các khu công nghiệp trong Tỉnh và trải rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đặc biệt, thu ngân sách của Tỉnh cũng là một điểm nhấn nổi bật của năm 2022 với mốc mới xác lập 40 nghìn tỷ đồng, vượt xa số thu ngân sách dự toán được giao (trên 33,1 nghìn tỷ đồng), trong đó, điểm đang lưu ý là số thu chủ đạo từ nguồn thu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đạt gần 25 nghìn tỷ đồng). Đây được đánh giá là năm có số thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc đạt mức cao nhất từ trước đến nay, khẳng định quyết tâm, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Thành Nam (T/h)