Bưu điện là một trong những ngành ít tham nhũng nhất

10:45, 22/11/2012

Trong cuộc khảo sát với tổng cộng 5.460 người dân, DN và cán bộ công chức, chưa đến 1% số người được hỏi chọn Bưu điện là ngành phổ biến hiện tượng tham nhũng.



Theo báo cáo khảo sát về vấn đề tham nhũng mới công bố, Bưu điện cùng với báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực là những ngành được các cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân đánh giá là ít tham nhũng nhất. 

Đây là một nội dung trong Báo cáo khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp (DN) và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng (PCTN) và Ngân hàng Thế giới thực hiện. Lễ công bố báo cáo này vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 20/11/2012.

Các nội dung thông tin trong báo cáo nêu trên là kết quả phân tích, tổng hợp số liệu từ cuộc khảo sát về PCTN, được triển khai tại 5 Bộ gồm GT-VT, Xây dựng, Công thương, Tài chính, TN-MT; và tại 10 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Nghệ An,Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Ba nhóm đối tượng tham gia khảo sát gồm người dân, DN và cán bộ công chức (CBCC). Cụ thể, từ ngày 26/2 đến 10/4/2012, đã có tất cả 2.601 người dân, 1.058 DN và 1.801 CBCC được khảo sát thông qua hình thức phỏng vấn, đối thoại trực tiếp.

Trong cuộc khảo sát, đánh giá về mức độ phổ biến của tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực, các đối tượng được phỏng vấn cho rằng 4 ngành, lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng; đã có trên 75% số đối tượng trong cả 3 nhóm đối tượng tham gia khảo sát cho rằng tham nhũng trong những ngành, lĩnh vực này là phổ biến. Và 4 ngành, lĩnh vực ít tham nhũng nhất là Bưu điện (Bưu chính Viễn thông), báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực. Bên cạnh đó, khi được hỏi về 3 ngành, lĩnh vực có hiện tượng tham nhũng phổ biến nhất trong 22 ngành điển hình thì chỉ có chưa tới 1% số người được hỏi chọn các ngành Bưu điện, báo chí.

Cũng theo báo cáo trên, tham nhũng là vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm, là mối quan ngại lớn của xã hội. Đã có 75% số người được hỏi trong 3 nhóm đối tượng khảo sát đều cho biết họ quan tâm hoặc rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng. Đồng thời, khi được hỏi về 3 vấn đề bức xúc nhất với Việt Nam hiện nay, đã có hơn 1/3 số người được hỏi chọn tham nhũng. Trong đó, nhóm CBCC chọn tham nhũng là vấn đề bức xúc nhất của quốc gia; với DN, tham nhũng được chọn là vấn đề bức xúc thứ hai, chỉ sau giá cả sinh hoạt; còn đa số người dân chọn tham nhũng đứng ở vị trí thứ ba, sau giá cả sinh hoạt và tai nạn giao thông.

Đáng chú ý, báo cáo cũng nêu rõ, các đối tượng được phỏng vấn đã đánh giá báo chí như một đồng minh quan trọng và đầy tiềm năng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Theo thống kê, 95% người dân, hơn 93% CBCC và trên 89% DN được hỏi cho biết tivi, đài báo là nguồn thông tin giúp họ hình thành quan điểm, ý kiến về mức độ tham nhũng trong các ngành. Hơn thế, những người được phỏng vấn trong cuộc khảo sát DN và CBCC đã khẳng định sự nhất trí cao với nhận định: các cơ quan truyền thông đã thành công trong việc phát hiện các vụ việc tham nhũng và gây áp lực buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc trong những vụ việc tưởng như đã “chìm xuồng”. Hơn 80% đối tượng thuộc 2 nhóm này đồng ý rằng các cơ quan truyền thông đã chủ động phát hiện được nhiều vụ việc tham nhũng trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc. 

Tuy nhiên, các đối tượng tham gia khảo sát cũng có xu hướng đồng ý rằng ở một chừng mực ít phổ biến, báo chí đôi khi cũng thổi phồng sự việc và có thể chưa đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền các yếu tố tích cực hay chỉ rõ những nơi, những ngành đã làm tốt công tác PCTN.

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo về vấn đề tham nhũng tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia-Ngân hàng Thế giới chia sẻ, cuộc khảo sát rõ ràng đã cho thấy sự cần thiết phải tăng thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời nó cũng chứng minh đây là một trận chiến nhất định mang lại thắng lợi và hoàn toàn có thể giảm bớt tham nhũng. “Thông điệp của bản báo cáo này chính là tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng nhưng không phải là không giải quyết được. Minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là những thể chế hiện đại cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo”, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh. 

(Trích nguồn từ ICTnews)

TIN LIÊN QUAN