Các công ty công nghệ tại Mỹ buộc phải công khai mức lương trả cho nhân viên

11:10, 11/01/2023

Đạo luật mới ở Mỹ yêu cầu các công ty công nghệ có trụ sở tại bang California phải công khai mức lương tuyển dụng đối với các vị trí công việc cụ thể.

Các công ty công nghệ tại Mỹ buộc phải công khai mức lương trả cho nhân viên.

Theo CNBC, đạo luật được áp dụng với tất cả các công ty có từ 15 nhân viên trở lên trong phạm vi bang. Các công ty này phải công khai mức lương của cả công việc theo giờ, công việc tạm thời cũng như mức lương khởi điểm của các Giám đốc điều hành công ty công nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc giờ đây, công chúng có thể biết mức lương mà các công ty công nghệ hàng đầu đang trả cho nhân viên của họ.

Thực hiện theo luật mới, các ông lớn công nghệ tại California đã bắt đầu công khai mức lương chi trả cho các vị trí tuyển dụng trong tuần qua. Theo đó, một quản lý chương trình của nhóm thực tế tăng cường tại Apple sẽ nhận được mức lương cơ sở từ 121.000 - 230.000 USD/năm. Một kỹ sư phần mềm tầm trung tại Google Health có thể kiếm được 126.000 - 190.000 USD/năm. Trong khi đó, một Giám đốc phần mềm trong nhóm xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng của Meta sẽ được nhận từ 253.000 - 327.000 USD/năm.

Tuy nhiên, quy định mới không yêu cầu các công ty kê khai các khoản thưởng tiền mặt hay cổ phiếu - yếu tố thường được công ty công nghệ sử dụng để thu hút và giữ chân nhân viên.

Theo hãng phần mềm chuyên theo dõi so sánh mức lương Payscale, nước Mỹ có 13 bang và thành phố đã yêu cầu chủ doanh nghiệp phải công bố thông tin về lương. Trong đó, California là bang lớn nhất đã thông qua đạo luật thanh toán minh bạch. Hiện tại, có hơn 20% các công ty thuộc Fortune 500 đặt trụ sở tại đây, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo của giới công nghệ và truyền thông.

Đạo luật nhằm thu hẹp khoảng cách về giới tính và chủng tộc, đồng thời giúp các nhóm thiểu số, phụ nữ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường lao động. Theo điều tra dân số Mỹ, cứ 1 USD đàn ông kiếm được thì phụ nữ chỉ kiếm được khoảng 83 cent.

Tuy nhiên, các công ty có thể lách luật bằng cách đặt khoảng lương rộng hơn và tập trung vào các mục thưởng tiền mặt hoặc cổ phiếu - nội dung mà bộ luật không yêu cầu phải công khai.

Trong lĩnh vực công nghệ, thưởng cổ phần dưới dạng cổ phiếu giới hạn có thể tạo ra một khoản thu nhập lớn cho người lao động. Trong khi đó, ở lĩnh vực tài chính, thưởng tiền mặt cũng chiếm một phần không nhỏ trong mức chi trả cả năm.

Thùy Chi (T/h)