Cải cách, hiện đại hoá Kho bạc Nhà nước

16:17, 15/01/2022

Công tác cải cách hành chính của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đạt được những kết quả tốt đẹp, được khách hàng ghi nhận, đánh giá cao. Đây là tiền đề cho những cải cách tiếp theo của toàn hệ thống.

Mặc dù là thời điểm cuối năm, nhưng trụ sở cơ quan KBNN vắng vẻ hơn nhờ có dịch vụ công trực tuyến. 	Ảnh: Thùy Linh

Mặc dù là thời điểm cuối năm, nhưng trụ sở cơ quan KBNN vắng vẻ hơn nhờ có dịch vụ công trực tuyến.

Tiết kiệm - hiệu quả

Thời gian qua, KBNN đã tiếp tục nỗ lực cải cách và hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, điển hình phải kể đến dịch vụ công trực tuyến. Suốt 4 năm qua, hệ thống này đã từng bước được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đến nay, KBNN đã cung cấp 9 thủ tục mức độ 4 lên dịch vụ công trực tuyến (đạt 100% theo kế hoạch) và 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến đã tham gia. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến.

Thông qua dịch vụ công trực tuyến, đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7. Qua đó, giúp giảm thời gian đi lại, giảm chi phí hoạt động và công khai, minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ, chứng từ chi ngân sách.

Những nỗ lực cải cách đã phát huy tác dụng rõ nét nhất chính ở thời điểm này. Đơn cử như tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong, Hoà Bình, các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn xã đã giao dịch trực tuyến với KBNN huyện ngay từ đầu năm 2020. Khi tham gia dịch vụ công trực tuyến, mỗi tháng, xã Thung Nai tiết kiệm được gần 20 triệu đồng chi phí hành chính. Việc thực hiện giao dịch 24/7 đã giúp địa phương chủ động và kiểm soát được các giao dịch. Hơn nữa, dịch vụ công trực tuyến Kho bạc luôn bảo đảm công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ mọi lúc, mọi nơi..., đã giúp lãnh đạo xã đánh giá được năng lực chuyên môn của kế toán.

Với những tiện ích vượt trội của dịch vụ công trực tuyến, KBNN huyện Cao Phong đã thu hút 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn đăng ký tham gia và sử dụng. Tỷ lệ giao dịch thành công qua dịch vụ công trực tuyến tăng từ 79,19% trong 6 tháng cuối năm 2020 lên 90,61% trong 6 tháng đầu năm 2021 và hiện đã đạt tới gần 100%.

Anh Nguyễn Thanh Hải - kế toán UBND xã Thung Nai, huyện Cao Phong, Hòa Bình cho biết, trước đây, anh phải đến KBNN huyện Cao Phong giao dịch 7 - 8 lần/tháng, nhưng đến nay, quãng đường dài hơn 50 km cả đi và về đã được rút ngắn chỉ với vài cú nhấp chuột nhờ dịch vụ công trực tuyến Kho bạc.

Anh Hải cũng cho biết, với giao dịch truyền thống, anh phải in chứng từ và đến trụ sở KBNN huyện đợi nộp hồ sơ. Nếu hồ sơ có sai sót, anh phải về cơ quan in lại và xin dấu của chủ tài khoản rồi quay lại nộp cho Kho bạc. Vì lẽ đó, khi chưa có dịch vụ công trực tuyến, những ngày cuối năm thực sự là "cơn ác mộng” với người làm kế toán.

"Bây giờ, với giao dịch trực tuyến, tôi chỉ cần ở tại trụ sở cơ quan và nộp hồ sơ cho Kho bạc. Trường hợp có sai sót sẽ được chỉnh sửa ngay trên hệ thống. Việc tiếp nhận và trả kết quả được KBNN huyện thực hiện trong ngày”, anh Hải chia sẻ.

Theo đánh giá từ các nhà quản lý, trong 4 năm qua, KBNN đã thực hiện tốt công tác giám sát, quản trị vận hành, đảm bảo hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động thông suốt, ổn định, phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng được lượng người sử dụng rất lớn trong cùng một thời điểm.

Hiện đại hoá nghiệp vụ

Không chỉ với dịch vụ công trực tuyến, trong năm 2021, KBNN đã tập trung triển khai các dự án công nghệ thông tin đạt hiệu quả rất tích cực. Cụ thể, KBNN đã nghiên cứu phương án nâng cấp hệ thống TABMIS và các ứng dụng hình thành hệ thống ngân sách và kế toán số; xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin KBNN giai đoạn 2021 - 2030 hướng tới hình thành Kho bạc số; xây dựng phần mềm liên thông ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống TABMIS và thanh toán song phương điện tử; xây dựng mới và nâng cấp mới nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, bảo mật.

Trong năm 2021, KBNN cũng đã triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN (đạt 99,4%). Đây là một trong các kênh thông tin để đánh giá hiệu quả cung cấp dịch vụ công của KBNN, giúp KBNN cải thiện chất lượng phục vụ. Với các kết quả đạt được, KBNN tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối Tổng cục của Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác cải cách hành chính năm 2020.

Thời gian tới, KBNN sẽ thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 của hệ thống KBNN trên các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

KBNN sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử nhằm đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục hành chính và nội dung kiểm soát thanh toán, rút ngắn thời gian giải quyết.

KBNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong xây dựng và triển khai cổng dữ liệu phục vụ quy trình thanh toán lương, thanh toán tự động điện, nước, viễn thông; gia tăng các tiện ích để hỗ trợ cho người sử dụng; tiếp tục triển khai chương trình cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

Theo/haiquanonline.com.vn