Cảnh báo nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng Internet

11:09, 22/01/2021

Theo nghiên cứu của công cụ quản lý truyền thông xã hội "We are Social và Hootsuite" vào năm 2020, Việt Nam có đến 97% người dân đang dùng Internet trên điện thoại. Không chỉ có người lớn mà ngay cả trẻ em cũng là đối tượng dùng Internet bằng điện thoại thông minh.

Đặc biệt vào năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến cho hàng triệu trẻ em không thể đến trường. Các em sử dụng điện thoại và các thiết bị khác để học tập trực tuyến. Tổ chức UNICEF cho rằng, chính điều này đã khiến gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, đặc biệt, là trên các nền tảng OTT không phép.

"15 cách tự tử tốt nhất", "Làm thế nào để thắt cổ?", "Cách chế thuốc nổ cực mạnh". Đó chỉ là số ít trong hàng vạn những video đang tồn tại trên YouTube mà không khó để có thể tìm ra. Và thực tế đã có những câu chuyện đau lòng đã xảy ra.

Cảnh báo nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng Internet - Ảnh 1.

Trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu, độc trên YouTube

Lứa tuổi tiếp cận với Internet trên điện thoại di động ngày một trẻ hóa. Thời gian sử dụng cũng dần tăng lên. Ngay trên các thiết bị việc đo đếm thời gian sử dụng cũng được đo đếm chính xác.

Dễ dàng tiếp cận chỉ qua một vài cú kích chuột hay lướt nhẹ trên điện thoại, trẻ em đang là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu, độc và nguy cơ ẩn sau trong chiếc điện thoại cầm tay.

Hồi chuông cảnh tỉnh cho các phụ huynh

Thực tế, năm 2020 đã ghi nhận nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến việc trẻ nhỏ làm theo các thử thách hay bắt chước các video trên mạng. Đây được coi là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi gia đình khi cho trẻ sử dụng điện thoại di dộng mà không có sự kiểm soát. Đặc biệt là những nội dung trên các nền tảng OTT không được kiểm duyệt.

Tháng 10/2020, câu chuyện về bé gái 5 tuổi tử vong vì học theo trò thắt cổ trên YouTube đã khiến cho nhiều người phải bàng hoàng. Điều đáng buồn là theo các bác sĩ đây, không phải là câu chuyện hy hữu.

Theo bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi - Phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cấp cứu tới 3 ca đều do các bé có hành vi là thắt cổ bằng dây phơi đồ.

Ngoài video hình ảnh về trò thắt cổ, các bác sĩ cũng cảnh báo các phụ huynh cần lưu ý về các trò mạo hiểm khác mà trẻ xem phải trên Internet bởi không ít trường hợp tai nạn gãy tay chân cũng xuất phát từ việc trẻ bắt chước.

"Mình phải thường xuyên chọn lọc để tránh trẻ có những hành vi ảnh hưởng đế cuộc sống của mình" - bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi cho biết thêm.

Mỗi ngày, trên mạng xã hội vẫn còn rất nhiều những video xấu độc. Trong khi người lớn chỉ quan tâm tới lượt like, lợi nhuận thì trẻ em sẽ là người gánh hậu quả vì các em còn quá nhỏ để có thể bảo vệ chính mình.

Hiện nay, nhiều trường học đã bắt đầu đưa vấn đề an ninh mạng vào trong giảng dạy. Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ dừng lại ở các em mà thuộc về cả người lớn. Việc kiểm soát các hình ảnh mang tính bạo lực, nội dung không lành mạnh, những video xuyên biên giới cũng cần kiểm soát mạnh hơn nữa.

Thùy Chi (T/h)