Cảnh báo rủi ro nợ xấu từ dịch vụ rút tiền mặt, đáo hạn thẻ tín dụng

08:39, 07/03/2022

Nắm bắt nhu cầu rút tiền mặt từ thẻ tín dụng của người dân, một số đối tượng đã mạo danh nhân viên ngân hàng tiếp cận và lừa đảo với thủ đoạn hết sức tinh vi. Các đối tượng gọi điện từ số cá nhân, số sim rác hoặc nhắn tin mời chào khách hàng rút tiền mặt, đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp qua thẻ tín dụng với lãi suất thấp.

Cụ thể, nếu khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ yêu cầu gửi thông tin của thẻ tín dụng vật lý bao gồm số thẻ và mã bảo mật CVV, hình ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần, thực chất là mã xác thực một lần (OTP) của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng và số tiền cần rút. Thậm chí, một số khách hàng trước khi cung cấp thông tin còn được kẻ gian yêu cầu che đi mã CVV để tạo niềm tin.

Đáo hạn thẻ tín dụng thực chất là hình thức hoạt động rút tiền từ thẻ tín dụng “chui” qua máy chấp nhận thanh toán thẻ POS. Phí rút tiền dao động từ 1-2% và có thể rút 100% hạn mức.

Theo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), việc yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như: Toàn bộ thông tin 16 số thẻ, ngày hết hạn thẻ, mã bảo mật CVV hoặc mã OTP khi mời chào rút tiền từ thẻ tín dụng như trên đều là lừa đảo. Dịch vụ hỗ trợ thẻ tín dụng của VPBank (trả góp, rút tiền….) không yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin trên.

Trong khuyến cáo gửi đến khách hàng, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng khẳng định dịch vụ mua hàng khống, rút tiền mặt, đáo hạn thẻ tín dụng “chui” đều là các giao dịch không hợp pháp, nếu thực hiện chủ thẻ có nguy cơ mất tiền. Người cung cấp và sử dụng dịch vụ đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, có khách hàng được chuyển khoản đến tài khoản cá nhân nhưng số tiền nhận được ít hơn nhiều so với số tiền đã ghi nợ trên thẻ trước đó. Hoặc có trường hợp khách hàng bị kẻ gian sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch trái phép chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tuyến hoặc lợi dụng thông tin thẻ vào mục đích bất hợp pháp.

Có thể thấy, hậu quả của những giao dịch này là khách hàng có thể bị lộ thông tin cá nhân, thất thoát tiền, phát sinh nợ quá hạn và gặp rủi ro pháp lý khi sử dụng dịch vụ.

Do đó, để bảo vệ tài sản và an toàn khi sử dụng thẻ tín dụng, các ngân hàng lưu ý chủ thẻ tuyệt đối không chụp ảnh có thông tin thẻ gửi cho người khác; không đọc mã OTP cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng.

Nếu nhận được các cuộc gọi tư vấn từ số di động cá nhân, khách hàng nên xác thực lại thông tin với ngân hàng.
Trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ lừa đảo, người dùng cần lập tức khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng đang bị kẻ gian tìm cách lấy cắp thông tin. Đồng thời, khách hàng liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời và trình báo tới cơ quan công an gần nhất để tố giác tội phạm.

Thẻ tín dụng được coi là công cụ thanh toán tiện ích khi cho phép người dùng chi tiêu trước, trả tiền sau. Tuy nhiên, người dùng cần có kế hoạch tài chính phù hợp, có kiểm soát; tránh trường hợp chi tiêu vượt khả năng thanh toán, gây phát sinh phí phạt và lãi suất cao khi chậm thanh toán thẻ hoặc tìm đến các dịch vụ rút tiền mặt, đáo hạn "chui" tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất tiền và vi phạm pháp luật.

Thùy Chi (T/h)