“Cháy hàng” dịch vụ cúng giỗ online mùa Covid-19

11:57, 04/02/2021

Vài năm trở lại đây, dịch vụ “cúng giỗ online” đã trở nên quen thuộc với nhiều gia đình. Bởi chỉ bằng một cái kích chuột thì người còn sống dù bận rộn đến mấy hay ở xa nửa vòng trái đất cũng có thể hoàn thành chữ hiếu với người quá cố. Những ngày cuối năm lại trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, dịch vụ này càng trở nên “hot” hơn bao giờ hết.

Bùng nổ dịch vụ

Vào mỗi dịp cuối năm theo truyền thống lâu đời của người Việt Nam, những người còn sống thường đến nghĩa trang, nơi chôn cất mộ phần người thân của họ để tảo mộ, mời vong linh về ăn Tết.

Nhưng năm nay, do dịch covid – 19 bất ngờ quay trở lại, Chính phủ yêu cầu người dân hạn chế ra đường, tới điểm công cộng, tụ tập đông người, hạn chế các hoạt động tiếp xúc trực tiếp nhằm tránh việc lây lan covid-19 ra cộng đồng.

 Quá trình làm việc của nhân viên sẽ được ghi lại gửi cho khách hàng.

Chính vì vậy, nhiều gia đình băn khoăn khi không thể thực hiện việc đi tảo mộ cuối năm cho ông cha mình được. Trong hoàn cảnh đó, việc chọn hình thức cúng giỗ online là một giải pháp khá hữu hiệu, giải toả tâm lý cho những người đang sống.

Cụ thể tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, chi phí cho dịch vụ này khá nhẹ nhàng và tùy thuộc vào việc khách hàng chọn gói dịch vụ.

Có thể chỉ là một bó hoa, xấp tiền vàng, chén rượu, nhiều hơn thì là đĩa xôi, con gà, quả trứng. Điều quan trọng là những mặt hàng mà khách hàng lựa chọn ngày hôm đó sẽ được tính theo giá hiện bán trên thị trường.

Với nhiều khách hàng khác, họ sẽ mua một thẻ thanh toán trọn gói, có thể là 5 triệu, 10 triệu. Và sau mỗi lần công ty mua đồ lễ sẽ trừ dần vào tài khoản đó.

Để sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ cần thao tác bằng việc điền các thông tin ghi rõ địa chỉ mộ phần, nghi thức cúng giỗ, gói dịch vụ, chọn đồ cúng rồi chuyển tiền là xong.

Việc này cũng đáp ứng được việc tránh tập trung đông người, hạn chế ra khỏi nhà trong thời điểm dịch bệnh và cũng giúp cho người thiếu thời gian có thể hoàn thành nghĩa vụ với người đã khuất theo như văn hóa Việt Nam.

Qua khảo sát trên trang web của Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, khi chọn mục cúng giỗ online, người sử dụng có thể lựa chọn hơn 40 danh mục sản phẩm cho buổi cúng như hoa cúc, hoa sen, xôi, trứng hay các món cúng truyền thống như giò, gà luộc, thịt luộc... Một mâm cúng giỗ như vậy có thể dao động từ 500-900 ngàn đồng tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Khi đã chọn xong các sản phẩm dùng để cúng giỗ, khách hàng có người thân an nghỉ tại nghĩa trang này có thể xem trực tiếp cảnh triển khai cúng giỗ thực tế tại mộ người thân. Có thể dùng nút bấm thắp hương, nút bấm hóa vàng để tiến hành các hoạt động cúng giỗ đúng như trong thực tế.

Ngoài ra, đơn vị này còn cung cấp các gói dịch vụ như: Gói Bình an (thắp hương), gói Như ý (dịch vụ đến 49 ngày), gói Phú quý (dịch vụ đến 100 ngày), gói Động thổ, gói Giỗ đầu, thanh minh, Vu lan… chi phí các gói dịch vụ này đã bao gồm đầy đủ các thành phần sản phẩm đồ cúng, thời gian cúng giỗ…

Đại diện chủ đầu tư Công viên nghĩa trang này cho biết khi mới triển khai dịch vụ này, nhiều người e ngại lo lắng nó sẽ làm mai một đi một nét văn hóa tâm linh tốt đẹp của người Việt. Tuy nhiên đối với nhiều khách hàng bận rộn, không sinh sống tại Việt Nam, không thăm được phần mộ người thân thì đây cũng là một dịch vụ cần thiết.

Mâm cỗ thịnh soạn được khách hàng đặt cúng người thân quá cố.

Còn hiện tại, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều lo lắng về dịch bệnh nên các dịch vụ từ xa, trực tuyến đều được ưa chuộng để phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy mà dịch vụ cúng giỗ online được nhiều người sử dụng.

Trong thời gian tới, để giúp người dân hạn chế việc phải ra ngoài, công viên nghĩa trang này sẽ áp dụng thêm nhiều khoa học công nghệ để tăng tương tác.

Dịch vụ tham quan nghĩa trang qua không gian thực tế ảo có thể áp dụng vào trong thời gian tới vào dịp thanh minh, tôi nghĩ khi đó dịch bệnh vẫn còn là nỗi lo nên đây cũng là một dịch vụ phù hợp. Khi đi thăm mộ hoặc mua sản phẩm, mỗi gia đình phải đi nhiều lần, với dịch vụ này thì gia đình chỉ có thể cử 1 người đại diện hoặc tham quan trên mạng, đi từng phân khu, công trình chỉ bằng công nghệ tham quan thực tế ảo trên di động.

Nhân viên làm không hết việc

Những nhân viên làm việc này cũng được tuyển lựa rất kỹ càng. Trước hết phải có tính cẩn thận, kỹ càng và chất phác. Nhân viên trước khi vào làm việc cho công ty cũng được đào tạo qua những kỹ năng cơ bản về cúng lễ.

Chị Bùi Thị Thêm (sinh năm 1984) làm ở công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên đã 6-7 năm nay. Nhà cách nơi làm việc không xa nhưng do yêu cầu công việc cuối năm nên chị Thêm phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, con cái gửi cho ông bà nội chăm lo. Mùa đông bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, chiều bắt đầu từ 1 giờ đến 5 giờ.

Khách hàng có thể chọn lựa đồ cúng trên trang web của Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên.

Chị bảo càng đến gần Tết thì công việc của các chị càng bận rộn hơn, nhất là năm nay khi dịch covid-19 đang quay trở lại thì nhiều gia đình ở xa không thể về thăm mộ, tảo mộ cuối năm. Họ đành gửi gắm qua các gói cúng giỗ online của các công ty nghĩa trang.

Công việc chính của chị Thêm là chăm sóc khuôn viên khu mộ, chăm sóc cây cối, lau chùi phần mộ, bón phân, cắt tỉa tưới nước cho cây… Chị bảo, cứ trước Tết tầm 1-2 tuần, người nhà đi tảo mộ nườm nượp nhưng năm nay vì covid-19 nên vắng hẳn, ngược lại công việc của những người chăm sóc phần mộ như chị Thêm lại tăng lên vì không chỉ làm việc theo yêu cầu của công ty mà còn làm việc theo yêu cầu của người nhà.

Nhiều gia đình ở xa, nhất là những tỉnh có dịch không thể trực tiếp đến nghĩa trang được nên lại nhờ chị thắp hương hộ. “Thậm chí nhiều gia đình còn gửi cả chìa khoá tủ đựng đồ lễ trong khuôn viên, nhờ chúng tôi mở cửa thắp hương mùng 1, ngày rằm. Mình cứ thành tâm thôi, khấn ở nhà như thế nào thì khấn ở đây như vậy”, chị Thêm chia sẻ. Trước khi bắt đầu công việc, bao giờ chị cũng thắp hương, xin phép cẩn thận, dọn dẹp xong cũng lại khấn vái, báo cáo công việc đã hoàn thành và ra về.

Cuối năm lại đúng vào thời điểm covid-19 quay trở lại, khối công việc mà chị Thêm và đồng nghiệp tăng lên rất nhiều.

Chị Nguyễn Thị Địu (sinh năm 1976) đồng nghiệp với chị Thêm cũng cho hay, công việc của những người chăm sóc mộ phần như chị cuối năm khá bận rộn. Do các khu mộ ở cách xa nhau, nước lại thiếu nên mỗi lần tưới cây, chị phải dòng đường ống dẫn nước cả trăm mét.

Những ngày Tết, các chị cũng thay nhau trực 100%, vừa là để thắp hương cho các phần mộ, vừa là đề phòng có đám hiếu đột xuất, người nhà muốn có chỗ an nghỉ nhanh nhất, tiện nghi nhất cho người thân của mình.

“Năm nay dịch covid-19 quay lại đúng dịp Tết, nhiều nhà không lên tảo mộ được, chúng tôi lại thay họ làm lễ thắp hương mời người quá cố về ăn Tết cùng gia đình họ. Mỗi lần như thế chúng tôi quay video lại để gửi về cho họ, hoặc có thể livestream trực tiếp cho họ theo dõi. Chính vì được tận mắt nhìn thấy việc cúng lễ của nhân viên nghĩa trang nên họ càng thêm tin tưởng vào dịch vụ này”, chị Địu cho biết.

Quang Anh

TIN LIÊN QUAN