Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/12

10:59, 30/12/2022

Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia, trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1250/CĐ-TTg ngày 29/12/2022 chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia, trọng điểm.

Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Tây Ninh.

Công điện nêu rõ: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng đột phá chiến lược về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội", trong đó xác định ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Đồng thời, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc trên cả nước.

Triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã chủ trì họp hằng tháng để chỉ đạo triển khai các dự án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Nhìn chung, các dự án đường bộ cao tốc đã được Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tập trung triển khai thực hiện, tiến độ được cải thiện rõ rệt.

Để hoàn thành các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có đường cao tốc đi qua tập trung chỉ đạo:

1. Chính quyền các địa phương tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng quy định của pháp luật, bảo đảm người dân bị thu hồi đất có chỗ ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, nhất là về hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa…

2. Đối với các gói thầu xây lắp, tư vấn thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu: Yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu đúng pháp luật, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; các nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm năng lực, kinh nghiệm để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình, dự án; các nhà thầu tư vấn cần thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu; chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm. Các cơ quan có thẩm quyền liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ, chất lượng và thực hiện đúng pháp luật.

3. Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố được giao là cơ quan chủ quản chủ động thực hiện các cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vướng mắc, khó khăn, bất cập.

4. Yêu cầu các địa phương, các nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp thực hiện quản lý, cấp phép và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo đúng nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động khai thác vật liệu làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án đường bộ cao tốc.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các yêu cầu nêu trên và các chỉ đạo tại các phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án đường bộ cao tốc.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW nhằm xây dựng và phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng và các địa phương trong vùng; phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế; các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao trình độ và thu nhập của người dân, sử dụng có hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên...

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm

Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5-3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 11,5%, công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 40,7%, dịch vụ chiếm khoảng 37,5%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành).

Thu ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 20-25% cả nước; tốc độ tăng thu nội địa cao hơn 2-3 điểm % so với bình quân của cả nước. Phấn đấu tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47-48%. Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu khoảng 30%.

Chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn trung bình cả nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần trở lên so với trung bình cả nước. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 35-40%. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1-1,5%/năm, trong đó tỉ lệ trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Đạt 32 giường bệnh viện/vạn dân; 11 bác sĩ/vạn dân. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số;...

8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1- Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

2- Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.

3- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

4- Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông.

5- Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

6- Phát triển toàn diện văn hoá-xà hội vùng.

7- Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

8- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.

Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển

Trong đó, về chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành để tập trung phát triển các ngành kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển, nhất là các ngành như du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi; các ngành kinh tế biển mới,...

Xây dựng đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp trên địa bàn vùng. Mở rộng và xây dựng Trung tâm Lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen. 

Xây dựng quy hoạch hợp lý để phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, các tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, các đường quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển; rà soát, điều chỉnh, phân chia chức năng các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không trong vùng.

Xây dựng đề án cơ cấu lại và đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp vùng theo hướng sinh thái, đặc hữu có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; liên kết theo chuỗi giá trị và có giá trị gia tăng cao; gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch...

Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao (như: nuôi yến, khai thác yến sào, khai thác cá ngừ). Xây dựng thương hiệu, phát triển các thị trường tiêu thụ, hình thành các trung tâm đấu giá sản phẩm; phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, gắn với đô thị hoá.

Xây dựng đề án cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới. Phát triển vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước với các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các trung tâm logistics gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu.

Phê duyệt Đề án 'Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025'

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1641/QĐ-TTg ngày 28/12/2022 phê duyệt Đề án "Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025".

Đề án trên được triển khai từ năm 2023 đến hết năm 2025 trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối tượng áp dụng là đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) có năng lực nổi trội, có chiều hướng phát triển và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện đề cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành, gồm:

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) giữ chức danh phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh;

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ giữ chức danh phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh còn đủ tuổi công tác đến hết nhiệm kỳ 2025-2030;

- Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) có năng lực nổi trội, có thành tích xuất sắc trong công tác và có triển vọng phát triển, được quy hoạch chức danh phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh giai đoạn 2021-2026 và 2026-2030.

Tạo chuyển biến lớn trong nhận thức và cách thức tổ chức quản lý          

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành chính quyền địa phương, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tạo chuyển biến lớn trong nhận thức và cách thức tổ chức quản lý; tiếp cận với cách tư duy mới; mở rộng tầm nhìn cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ; học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và phương pháp làm việc hiệu quả; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở một số nước góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài.

Bồi dưỡng ở nước ngoài cho khoảng 200 cán bộ

Đề án phấn đấu giai đoạn 2023-2025 tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài cho khoảng 180-200 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương.

Cụ thể, mỗi năm tổ chức khoảng 4 khóa bồi dưỡng, mỗi khóa có khoảng từ 15-17 cán bộ, công chức thuộc đối tượng của Đề án.

Đề án sẽ thực hiện đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức bồi dưỡng; tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn (02 tuần) ở nước ngoài (ưu tiên lựa chọn Nhật Bản, Cộng hòa Pháp và một số nước tiên tiến khác); kết hợp giữa học tập và nghiên cứu, khảo sát thực tế.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương; tích cực mở rộng quan hệ tìm nguồn tài trợ nước ngoài theo các mối quan hệ giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, bộ, ngành với các nước, các tổ chức quốc tế.

Thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài bảo đảm nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở nước ngoài trong từng năm và cả giai đoạn 2023-2025…

Phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký văn bản 1245/TTg-CN ngày 29/12/2022 phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Đắk Lắk chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của thông tin và số liệu; chỉ đạo thực hiện khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản và ngân sách Nhà nước.

Danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1642/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao.

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm:

1. Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn.

2. Nhà khách Chính phủ.

3. Trung tâm Văn tải đối ngoại V75.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 28/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trên.

Kỷ luật 3 lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

Cụ thể, tại Quyết định 1644/QĐ-TTg ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 819-QĐ/UBKTTW ngày 6/12/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật đảng.

Tại Quyết định 1646/QĐ-TTg ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 821-QĐ/UBKTTW ngày 6/12/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật đảng.

Tại Quyết định 1645/QĐ-TTg ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 822-QĐ/UBKTTW ngày 6/12/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật đảng.

Kỷ luật Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Thời gian thi hành kỷ luật tính từ thời điểm công bố Quyết định số 733-QĐ/TW ngày 24/10/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật đảng./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ