Chơi ảnh LomoGraphy – trào lưu mới của giới trẻ Việt

11:41, 07/10/2010

Nghệ thuật nhiếp ảnh đòi hỏi sự công phu. Người chụp ảnh, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, cũng cần đầu tư “dài hơi” cho thiết bị, nền tảng kiến thức và cảm xúc trong mỗi khuân hình. Nhưng với LomoGraphy, một trường phái ảnh còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, câu chuyện về cách người yêu nhiếp ảnh tạo ra những bức hình đẹp lại hoàn toàn ngược lại.

“Đừng nghĩ, chỉ chụp thôi”

Đó là sự khác biệt của LomoGraphy so với các thể loại ảnh khác. Người chụp ảnh theo phong cách LomoGraphy chỉ sử dụng những chiếc máy phim đơn giản, chụp ngẫu hứng, tự do không theo một khuân mẫu hay chuẩn mực nào. Tư tưởng chụp ảnh này thực ra đã có từ lâu, nhưng chỉ tình cờ trở thành trào lưu trong nghệ thuật nhiếp ảnh từ năm 1993 nhờ 2 sinh viên người Áo.

Trong chuyến du lịch hè, 2 anh chàng sinh viên này đã sử dụng chiếc máy ảnh conpact Lomo (Leningradskoje Opitiko Mechanitscheskoje Objedinenie) do Liên Xô sản xuất, chụp liên tiếp những bức ảnh đời thường mà không hề quan tâm đến những vấn đề “kỹ thuật” như tiêu cự, khẩu độ, góc chụp … Thật bất ngờ, những bức ảnh sau đó lại tạo ra ấn tượng mạnh cho người xem. Với mong muốn đưa những bức ảnh này đi triển lãm, họ đã cùng nhau thành lập hội những người thích chụp ảnh theo phong cách tương tự, lấy tên trùng với tên loại máy họ đã sử dụng.

Hội những người chụp ảnh theo phong cách này phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong giới trẻ – đối tượng phù hợp với những chiếc máy ảnh Lomo giá rẻ. Ảnh chụp theo phong cách Lomo phổ biến ra khắp thế giới đã tạo nên khái niệm LomoGraphy.  Sau nhiều năm LomoGraphy phát triển, giới chụp ảnh theo phong cách này đã đúc kết ra 10 nguyên tắc “cốt lõi” xuay quanh khẩu hiệu “đừng nghĩ, chỉ chụp thôi”:

1.      Đem theo máy bất kể bạn đang ở đâu

2.     Chụp không kể ngày đêm

3.       Đừng lo lomo làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, vì lomo chính là một phần cuộc sống của bạn.

4.      Nếu có mục tiêu , hãy tiến sát và bấm máy.

5.      Không cần lo nghĩ.

6.      Phải nhanh.

7.      Không cần suy nghĩ bạn sẽ chụp gì.

8.      Không cần suy nghĩ bạn đã chụp gì.

9.      Chụp từ mọi góc độ.

10.  Và cuối cùng: hãy chụp và đừng quan tâm đến 9 điều trên!  

Tiền không phải là vấn đề

Giá thiết bị ảnh ở thời kỳ nào cũng luôn đắt đỏ, khiến người đam mê nhiếp ảnh phải “đau đầu”. Nhưng với LomoGraphy, chính những thiết bị đắt tiền sẽ làm hỏng phong cách.

Để có thể chụp ảnh theo phong cách LomoGraphy, người chụp chỉ cần một chiếc máy ảnh đơn giản, rẻ tiền. Đó là những chiếc máy ảnh sử dụng phim 35mm và 120 medium format “cổ lỗ sĩ” được “khai quật” để dùng lại như Holga của Hong Kong những năm 80, Diana những năm 60 hay chiếc máy Lomo LC-A chứ danh do Liên Xô sản xuất từ những năm 50. Chúng đều có giá chỉ từ vài chục đến dưới 200 USD nên rất được giới trẻ yêu thích.

Do được làm từ những chất liệu rẻ tiền, ống kính đơn giản, nên những chiếc máy ảnh trên có độ chính xác quang học không cao. Ảnh chụp từ những chiếc máy này có độ tương phản cao bất thường, gắt ở một số gam màu nhất định và đường nét thường bị bóp méo. Thậm chí, nhiều máy còn bị lọt sáng dẫn đến hiện tượng cháy một góc phim. Chính những điều này đã tạo nên sự đặc sắc của LomoGraphy: ảnh đơn giản nhưng kỳ quái và luôn tạo ấn tượng mạnh.

Nhận diện tín đồ LomoGraphy

Nhiều nhiếp ảnh gia gạo cội đã nhận ra sự khác biệt “chết người” của LomoGraphy. David Burnet là một trong số đó. Với thâm niên hoạt động nhiếp ảnh đã hơn 4 thập kỷ, David Burnet được bình chọn là 1 trong “100 người quan trọng nhất trong ngành nhiếp ảnh”. Ông là người chuyên chụp các đời tổng thống Mỹ như cựu tống thống Al Gore, và mới đây nhất là đương kim tổng thống Mỹ Barack Obama.

Bộ đồ nghề của ông gồm có máy ảnh kỹ thuật số, 1 máy cơ đã 60 tuổi và 1 chiếc Holga. Ông cho biết, chiếc máy ảnh Holga của ông có giá chỉ 30 USD và luôn ở bên cạnh ông trong mọi hoàn cảnh tác nghiệp. Trên website cá nhân, ông dành hẳn một phần riêng cho LomoGraphy, lấy tên là Holga Eye. Người ta thấy ở đây những bức ảnh ông chụp theo đúng phong cách Lomo, từ phong cảnh, đường phố, thể thao… cho đến các tổng thống Mỹ.

Nhưng David Burnet và nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng khác không phải là những người “định hình” nên LomoGraphy. Chính hàng triệu người chụp ảnh nghiệp dư, chủ yếu là giới trẻ, thiếu kiến thức nhiếp ảnh nhưng lại có thừa sự tự do, phóng khoáng, thói quen dịch chuyển và con mắt quan sát cuộc sống tinh tế đã tạo ra trường phái nhiếp ảnh đặc biệt này.

Từ 4 chứ cái L-O-M-O, các tín đồ LomoGraphy trẻ tuổi đã tự đặt ra khẩu hiệu “không chính thức”: Let Ourlife be Magic and Open (tạm dịch là “hãy biến cuộc sống trở nên kỳ diệu và rộng mở” - PV).

Trào lưu mới của giới trẻ Việt

Tuy đã xuất hiện trên thế giới được gần 2 thập kỷ, nhưng LomoGraphy chỉ bắt đầu phổ biến ở Việt Nam trong khoảng 2 đến 3 năm gần đây. Lý do chủ yếu là do những chiếc máy ảnh Lomo, Holga, Diana có giá của chúng không phải là rẻ so với túi tiền của đối tượng học sinh, sinh viên (máy cổ khó kiếm và giá khoảng gần 3 triệu đồng đến … vô tận. Máy mới từ hơn 200 USD đến gần 400 USD). Chỉ đến khi những chiếc máy “nhái” Trung Quốc sản xuất xuất hiện, giá rẻ có khi chỉ vài trăm nghìn đồng, thì mới có nhiều người chơi Lomo.

Một điều thú vị là chính nhờ sự xuất hiện của LomoGraphy mà thú chụp ảnh bằng máy phim, tưởng đã “chết” trong cơn “bão” kỹ thuật số, dường như đã “hồi sinh” trở lại. Nhiều bạn trẻ thay vì bỏ ra hàng nghìn USD để mua máy ảnh DSRL, thì nay lại cảm thấy vô cùng thú vị với những bức hình chụp từ những chiếc máy rẻ tiền.

Thú vui đi mua cuộn phim giá vài chục nghìn, lắp vào chiếc máy nhựa xinh xinh để chụp bất cứ thứ gì ấn tượng diễn ra xung quanh, hồi hộp chờ tráng phim và nhận về những bức ảnh đẹp “chết người” dường như đang “gây nghiện” những người Việt trẻ tuổi.

Quý Đoàn  

TIN LIÊN QUAN