Chơi hàng “lướt”, cũ người mới ta

05:37, 24/08/2009

Không hề thấy buồn khi chơi hàng “lướt”, ngược lại, nhiều dân chơi còn tỏ ra khoái chí, vì vẫn sở hữu những thiết bị hiện đại, gần như mới coóng, bảo hành đầy đủ, giá lại hời.

 

Săn hàng “lướt”
 
Chơi hàng “lướt” thú nhất là quá trình săn hàng. Hàng lướt có nhiều dạng, model mới, model cũ. Với nhiều dân chơi, hàng “lướt” là những “con” máy đời mới theo đúng nghĩa của từ mới: model mới, tình trạng máy mới với đầy đủ bảo hành. Hàng được săn nhiều nhất hiện nay như iPhone 3G, nhưng khi iPhone 3GS ra mắt khiến nhiều dân chơi 3G muốn đổi mới dù chỉ sài iPhone 3G chưa được bao lâu. Hàng lướt 3G vì vậy có giá hết sức hấp dẫn, nhiều máy hầu như còn mới nguyên. Anh Thành Trung, một tay chuyên săn iPhone hàng “lướt” khá nổi tiếng ở Quận 1 khoe.
 
Hiện, anh đang sở hữu 4 “con” iPhone 3G mới gần như 100% với giá trung bình khoảng 8 triệu đồng/máy. Các con máy này được anh “săn” qua những người chơi khác, hoặc mua lại từ cửa hàng quen. Anh tiết lộ. “Có người vừa mua iPhone 3G mới 100%, giá 11 triệu đồng, chơi chưa được 1 tuần thì bán, để đổi lấy iPhone 3GS. Có người “ti toe”, mua chơi nửa tháng, thì kẹt tiền đem bán. Đa số máy được chủ nhân chăm chút kỹ lưỡng: dán màn hình bảo vệ, bao silicon chống trầy mặt sau, bao da sành điệu, nên mang tiếng là máy cũ chứ nói mới toanh cũng đúng”.
 
Anh Thành Trí (kinh doanh, ở Quận 3) lại có cách chơi hàng “lướt” rất riêng. “Mình chủ yếu lang thang trên mạng, tìm mua máy của những người dùng muốn bán lại. Đi mua hàng này hơi cực, vì phải chịu khó “săn” mới gặp được người bán máy dạng hàng “lướt” đích thực với đầy đủ linh phụ kiện, hộp zin. Sau đó, hẹn gặp, xem xét, thử máy thật kỹ mới dám mua.
 
 Có khi cả tuần mới tìm được “con” thật vừa ý. Nhưng được cái không sợ mua phải hàng “dựng”, hàng tân trang ở các cửa hàng. Qua đó, mình có thêm bạn bè, vui lắm. Nếu khéo ăn khéo nói, có thể mua máy với giá rất hời. Anh kể, gần nhất là tậu được con 3GS có thể nói là mới 100%, vì người mua chỉ mới dùng được có 1 ngày thì mang đi bán lại. 

            Các dòng điện thoại cao cấp khác như của HTC (Max, HD, Diamond), Google, Omnia,  Palm Pre, BlackBerry... mới ra cũng là đối tượng được dân săn hàng “lướt” ưa chuộng. Theo tính toán của bạn Hoàng Minh Khang (nick htcfan): Các dòng cao cấp này hay cho ra sản phẩm mới, giá bán thường rất cao, trong khi tính năng, kiểu dáng không chênh lệch nhiều so với phiên bản cũ. Người dùng lại thích chạy theo hàng mới, vì thế nguồn hàng đời đầu bị thờ ơ, buộc phải hạ giá. Đơn cử như 2 “con” HTC Diamond 1 và 2 đều không chênh lệch nhiều về tính năng, kiểu dáng, mà giá lại chênh nhau đến hơn một nửa. Hay như dòng BlackBerry, giá máy mới 100% khá cao.
 
 Trong khi, máy hàng “lướt” còn mới 99%, đầy đủ phụ kiện zin, thời gian bảo hành còn dài, mà giá giảm được 30%. Chơi hàng “lướt” không phải chỉ vì rẻ, nhưng dân chơi thường thích được sở hữu nhiều máy cùng lúc. Thế nên, chỉ cần mỗi máy rẻ một chút, thì cộng dồn cũng “kha khá”. Một dân chơi hàng “lướt” khác chia sẻ.

 

Vui buồn hàng “lướt”
 
Vui vì sau mỗi cuộc săn, thành quả đạt được rất đáng tự hào: máy mới, “ngon”, giá rẻ. Song cũng còn đó không ít phiền phức, rối rắm xung quanh hàng “lướt”. Trong giới săn hàng “lướt”, mọi người vẫn còn nhớ như in vụ cãi nhau om xòm giữa cửa hàng bán điện thoại ở Quận 5 với một dân chơi hàng lướt. Dân chơi này muốn mua con N97 của Nokia vừa mới ra và đặt cửa hàng xem có ai muốn bán lại thì giới thiệu. Một ngày đẹp trời tháng 7, cửa hàng gọi điện thoại cho dân chơi đến xem “con” N97 mới đến 99,9%, vì người bán mới mua cách đây mấy hôm.
 
Hí hửng vì sắp được “của ngon”, không kịp xem gì nhiều, chỉ lướt qua vài tính năng, phím bấm, máy được dán keo kín mít, giá lại quá ư là “hạt dẻ”, anh chàng gật đầu “cái rụp” và chung tiền ngay. Về đến nhà, khi niềm vui vừa được lắng xuống, đang vọc vạch, thì mới hay vỏ máy bị trầy một góc nhỏ bên dưới và được ngụy trang khéo léo bằng lớp keo dán kín cũng như độ bóng lộn của con máy mới ra lò. So ra, lỗi này là cực nhỏ trong giới săn hàng “lướt”, nhưng cũng khiến anh chàng bực tức, vì cho rằng mình bị lừa, thay vì phải có được chiếc máy không có tì vết nào, thì nay lại không được như ý.
 
 Tuy vậy, với dân chơi thực thụ, cái được của hàng “lướt” còn là việc thụ hưởng công nghệ mới, khám phá và được trải nghiệm tính năng mới, chứ không hẳn chỉ là tình trạng “mới coóng” bên ngoài. Anh Đình Thanh (kinh doanh) nhìn nhận ở góc chơi khác. Ví như iPhone 3GS hiện nay có giá gần 20 triệu đồng. Không phải ai cũng có điều kiện sở hữu ngay để tự do khám phá những cải tiến mới ở 3GS.. Không chỉ điện thoại di động, mà ngay cả laptop cũng thế. Những “con” laptop đỉnh nhất cả về công nghệ, kiểu dáng... cũng là mơ ước của khối người. Mà đã mê, đã thích rồi là muốn mua ngay, vọc vạch ngay.
 
Có thể chờ một thời gian khi giá sản phẩm hạ xuống rồi mua cũng được, nhưng như thế đâu còn gì là thú đam mê, vì công nghệ khi đó đã lạc hậu rồi. Vì vậy, chơi hàng “lướt” cũng là lựa chọn tốt cho những anh em đam mê khám phá, thích cái mới, nhưng kinh phí đầu tư còn khiêm tốn. Theo tôi, hàng “lướt” không nhất thiết phải đòi hỏi mới “cáu cạnh” 99,9%, hay 99%, mà quan trọng là tại thời điểm đang “sốt hàng”, mình vẫn tậu được chiếc máy như ý để tự do khám phá với giá hợp với túi tiền mình nhất, “cũ người, mới ta” là vì vậy, anh Thanh giải thích thêm.

 

Riêng tôi, nhiều người sẽ bảo những ai chơi hàng “lướt” là tính toán, điều đó không sai, khi mình được mua máy rẻ hơn so với giá thị trường. Chơi một thời gian, khi bán lại cũng không bị lỗ nhiều. Tiết kiệm tiền để có thể chơi được nhiều máy, khám phá công nghệ cũng như có thể so sánh cái hay, cái dở của từng dòng máy của các nhà sản xuất. Đúc rút kinh nghiệm và chia sẻ cho nhiều người chơi khác nữa thì rất xứng đáng. Hứa Minh Trí (một người chơi tự do) không ngại bộc bạch. 

TIN LIÊN QUAN