Chú trọng liên kết phát triển ngành công nghiệp điện tử

12:40, 15/04/2021

Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp (DN) ngành điện tử trong nước và DN FDI là giải pháp để nâng cao năng lực cho ngành nghề quan trọng này.

Một số DN Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng cho Samsung.

Cứ điểm của nhiều doanh nghiệp lớn

Tại thời điểm này, Việt Nam là nơi đặt nhà máy của một số hãng công nghệ lớn như Samsung, LG, Canon, Intel... với số vốn hàng tỷ USD. Trong đó, riêng mảng sản xuất smartphone hiện có nhà máy Samsung, sản xuất những điện thoại dòng S, dòng Note cao cấp và các sản phẩm phân khúc khác phục vụ thị trường Việt Nam và thế giới.

Hay sự việc Oppo dự kiến xây dựng nhà máy ở Bắc Ninh đã được nhắc đến vào cuối năm 2020. Việc xây dựng thêm nhà máy ở Việt Nam có thể là một bước đi quan trọng giúp Oppo mở rộng sản xuất và gia tăng năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường thiết bị di động toàn cầu.  

Ngoài Samsung và LG đã có các tổ hợp công nghệ cao hàng tỷ USD ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, thì Sony, Nokia cũng đều đã có nhà máy ở Việt Nam. Gần đây nhất, Lenovo cũng liên tục tới Bắc Ninh, Bắc Giang để tìm kiếm cơ hội xây dựng nhà máy tại đây. Còn Apple, tuy chưa có kế hoạch lắp ráp iPhone tại Việt Nam, song một loạt đối tác sản xuất lớn của họ, như Wistron, Pegatron, Luxshare, Foxconn… đều đang gia tăng sản xuất các thiết bị, linh phụ kiện tại Việt Nam.

Foxconn cách đây ba tháng đã chính thức đầu tư dự án sản xuất iPad và MacBook trị giá 270 triệu USD tại Bắc Giang. Foxconn dự kiến tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và đặt mục tiêu doanh thu 40 tỷ USD tại Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới.

Những minh chứng trên cho thấy, Việt Nam ngày càng là nơi được các doanh nghiệp ưu tiên chọn đặt các nhà máy lớn của mình. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đánh giá, điện tử là sản phẩm vừa mang hàm lượng công nghệ rất cao và đồng thời các yếu tố cấu thành rất nhiều và phức tạp. Do vậy chuỗi cung ứng của nó cũng sẽ trải dài đến một số quốc gia. Tại Việt Nam, từ trước đến nay, các DN sản xuất điện tử chủ yếu đến từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. “Nhưng ta cũng nhìn thấy một sự thay đổi rất rõ nét khi trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những nhà sản xuất là ODM (sản xuất theo đơn đặt hàng) của các DN điện tử lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành điện tử có cơ hội tăng trưởng và phát triển”, ông Hải cho hay. 

Mặt khác thì những DN Việt, thí dụ như Vinfast cũng có những nghiên cứu để có thể làm ra những sản phẩm điện thoại mang thương hiệu Việt Nam. Đây là điều rất là đáng khích lệ, giúp cho các DN Việt Nam dần làm chủ, sản xuất được những sản phẩm điện tử có giá trị cao, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này trong thời gian tới.

Đẩy mạnh liên kết

Tuy nhiên, một thực tế không quá khó để nhận ra, mặc dù Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng có đến khoảng 95% giá trị thuộc khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chính vì vậy, phát triển ngành công nghiệp điện tử cần tạo bước đột phá để phát triển. Đặc biệt là phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, để phát triển bền vững ngành điện tử tại Việt Nam, các DN Việt Nam cần phải liên kết sản xuất với các tập đoàn FDI công nghệ cao. Trong đó, các DN phải đáp ứng được ba điều kiện là chất lượng, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Có như vậy mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và tiến tới tham gia chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu.

Đón đầu xu hướng, mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, cùng với Hàn Quốc xây dựng nên Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK). Bên cạnh đó, phối hợp Hiệp hội DN cơ khí Hàn Quốc (KOAMI) thành lập Trung tâm công nghệ máy móc Việt Nam - Hàn Quốc (VKMTC) tại TP Hồ Chí Minh. Đồi thời, liên kết với Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử trong những năm tới.

Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, các DN điện tử cần chú trọng hơn tới việc xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn nữa. Mỗi DN cần tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp, đồng thời cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới. Trên cơ sở đó giúp cho DN nội tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt.

Theo nhandan.com.vn