Chuẩn bị thử nghiệm tiêm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine 'made in Vietnam'

12:24, 01/04/2021

Theo kế hoạch, hết tháng 4/2021, vaccine Nano Covax sẽ hoàn thành việc nghiên cứu giai đoạn 2, đầu tháng 5/2021 sẽ thử nghiệm tiêm lâm sàng giai đoạn 3.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ngày 31/3, ông Trịnh Thanh Hùng – Vụ phó Vụ KHCN các ngành Kinh tế kỹ thuật cho biết, đến thời điểm hiện nay, vaccine phòng, chống COVID-19 do Việt Nam sản xuất đã hoàn thành giai đoạn 1.

Giai đoạn 2 tiêm cho 560 người, mỗi người tiêm 2 mũi, trong đó có 5% số người này đã được tiêm mũi thứ hai. Dự kiến ngày thứ 35 sau khi tiêm mũi thứ hai sẽ thực hiện lấy máu làm xét nghiệm để đánh giá tính hiệu quả của vaccine.

Chuẩn bị thử nghiệm tiêm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine 'made in Vietnam' - 1

Thứ trưởng Bùi Thế Duy chủ trì buổi họp báo.

Kết quả bước đầu cho thấy vaccine đảm bảo tính an toàn cao, sinh được kháng thể kháng virus SARS-CoV-2, tỷ lệ tăng kháng thể cao, có trường hợp tăng đến 200 hoặc 500 lần so với trước khi được tiêm.

Theo kế hoạch, hết tháng 4/2021 sẽ hoàn thành việc nghiên cứu giai đoạn 2, đầu tháng 5/2021 sẽ thử nghiệm tiêm lâm sàng giai đoạn 3.

Giai đoạn 3 sẽ được chia làm hai bước 3A và 3B. Giai đoạn 3A triển khai trên 1.000 người, trong đó 500 người được tiêm vaccine Nano Covax và 500 người sẽ được tiêm vaccine đối chứng.

Nếu đảm bảo yêu cầu, sau khi kết thúc giai đoạn 3A có thể xem xét cấp phép sử dụng vaccine.

Như vậy, nếu mọi việc thuận lợi, dự kiến trong quý 3/2021 chúng ta sẽ có vaccine được đưa vào sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Giai đoạn 3B sẽ được triển khai trên quy mô lớn hơn, từ 10-15.000 người. Bộ KH&CN đã và đang phối hợp với các đơn vị tìm kiếm đối tác ở nước ngoài để tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết thêm, hiện nay trên thế giới tất cả các quốc gia đều đang gặp vấn đề về vaccine, chính vì vậy việc chủ động nội địa hóa sản phẩm vaccine sẽ cho chúng ta lựa chọn tốt trong phòng dịch với tiến triển, giống như bộ Kit thử thì Bộ Y tế đã cho phép sử dụng khẩn cấp, sau khi đánh giá lâu dài thì cấp giấy phép thông thường.

“Với cách thức như vậy, chúng tôi tin rằng sản phẩm KHCN sẽ nhanh chóng đi vào đời sống, góp phần giúp cho chúng ta trở thành một trong những quốc gia đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Cũng trong buổi họp báo, đại diện Bộ KH&CN báo cáo kết quả đạt được trong thời gian vừa qua. Đáng chú ý là việc Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” cho nhiều lĩnh vực như: Nhân đạo số (inhandao.vn), Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn), Bách khoa toàn thư mở (bktt.vn), Bản đồ an toàn covid (antoancovid.vn), Giáo dục số (igiaoduc.vn); Dinh dưỡng số, Văn hóa số, Dược thư số, Công nghệ tiếng nói….

Thùy Chi (T/h)