Chuyển đổi nông nghiệp trong thập niên mới bắt đầu từ "con trâu"

16:42, 28/02/2021

“Con Trâu” ở đây ẩn dụ theo hai nghĩa: Một là, khởi đầu cho Thập niên thứ 3 của Thiên niên kỷ thứ 3 (2021) là năm Tân Sửu. Hai là, chặng đường chuyển đổi số của nông nghiệp bắt đầu từ điểm xuất phát quá thấp so với các ngành kinh tế khác ở nước ta, cũng như so với nông nghiệp của các nước phát triển, như con trâu so với máy móc hiện đại. Đúng là chặng đường phía trước có rất nhiều thách thức: “Làm sao chuyển đổi căn bản được nông nghiệp trong thập niên mới bắt đầu từ xuất phát điểm thấp?”.

Hà Nội đang triển khai dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình từ sản xuất giống đến gạo chất lượng cao. Ảnh: Tứ Cường

Các chuyên gia thế giới căn cứ hai chỉ số cơ bản là tỷ trọng GDP và tỷ trọng lao động của nông nghiệp so với cả nước đã chia quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn thành 5 thời kỳ: Thuần nông, Tiền chuyển đổi, Chuyển đổi, Đô thị hóa và Phát triển. Sau 30 năm đi đầu trong đổi mới từ 1981, nông nghiệp nước ta đã qua được thời kỳ Tiền chuyển đổi để bước vào Chuyển đổi từ 2010 đến nay. Mười năm tới tiếp tục là thập niên Chuyển đổi. Dù đã trải qua chặng đường dài đầy khó khăn của chuyển đổi cơ chế quản lý, nhưng liệu chúng ta có hoàn thành được các mục tiêu chuyển đổi căn bản nông nghiệp trong giai đoạn tới không? Chúng ta đã có đà tiến mạnh mẽ, nhưng các con dốc phía trước cũng rất cao – chuyển đổi số để trèo lên ngọn núi 4.0!

Nhìn lại, chúng ta đã vượt qua 10 năm có nhiều trăn trở và một năm Canh Tý – COVID -19 với quá nhiều thách thức, nhưng kết cục lại có được kỳ tích lớn. Việt Nam đã đi qua cánh cửa hẹp, bước lên đàng hoàng, đĩnh đạc trước thế giới, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, ổn định xã hội và đạo nghĩa nhân văn. Trong đó, nông nghiệp phát huy tốt vai trò bệ đỡ cho kinh tế nước nhà, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2020, GDP khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung. Riêng quý III/2020 GDP khu vực này tăng lớn, đạt 2,93%, so với bình quân 2,62% của cả nước. Theo dự báo của ngành nông nghiệp, tốc độ tăng GDP cả năm 2020 đạt 2,8-3%; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3-3,2%. Mục tiêu xuất khẩu nông sản trên 41 tỷ USD chắc chắn sẽ đạt được. Nông nghiệp thời COVID-19 không chỉ là tăng về lượng, mà còn tăng về chất, về năng suất và giá trị của nhiều loại nông sản.

Tuy vậy, rất khó để tạo ra tính đột phá, tính căn bản trong chuyển đổi giai đoạn tới. Đã ngàn đời nay, nói đến nông thôn là chỉ thấy hình bóng nông dân. Nói đến nông dân thường chỉ câu chuyện nông nghiệp. “Nông thôn –> Nông dân –> Nông nghiệp”: bức tranh còn nghèo đó bao giờ mới thay đổi căn bản? Bao giờ nông thôn mang đậm hình bóng của doanh nghiệp, chứ không chỉ nông dân? Bao giờ nông dân không chỉ là chủ thể của nông nghiệp, chủ thể kinh tế hộ nhỏ lẻ? Bao giờ nhắc đến nông thôn, người ta sẽ nói về một cơ cấu kinh tế khác, một cuộc sống khác, một không gian khác? Ở đó các chuỗi kinh tế thúc đẩy nhau phát triển, hàng hóa nông sản, dịch vụ công thương và ngành nghề nông thôn đưa nhau đến thị trường; hồn quê đất Việt sống cùng hiện đại, làng quê thanh bình đứng cùng văn minh, cảnh quan sinh thái hòa cùng đô thị…

Ảnh: minh họa

Một cách logic, để tạo ra chuyển đổi căn bản và toàn diện cho nông nghiệp, nông thôn tới đây cần phải có công cụ mới, nguồn lực mới và đặc biệt, cách tiếp cận mới. Chuyển đổi số đã và đang tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới, liệu có tạo ra động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn? Chắc chắc là có. Nó đồng thời cũng là công cụ mới, làm thay đổi cách tiếp cận phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chuyển đổi số mở ra quá trình con người sử dụng các thiết bị IoT để tạo nên khối lượng dữ liệu khổng lồ (Big Data), rồi lại tạo ra và ứng dụng các phương pháp mới để lưu trữ, xử lý Big Data (Cloud và AI), phát huy mạnh mẽ năng lực của hệ thống CNTT phục vụ con người. Với chuyển đổi số, mọi mặt của hoạt động kinh tế -xã hội sẽ thay đổi, từ nhận thức, quan niệm, cách tiếp cận đến nguyên tắc thiết kế, vận động của các quá trình… Nó sẽ thúc đẩy chuyển đổi phương thức tác động giữa các chủ thể đến đối tượng nền kinh tế xã hội.

Chúng ta kỳ vọng tới đây chuyển đổi số sẽ thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn hội nhập đồng tốc vào phát triển chung của đất nước, tránh được va đập, không bị bỏ rơi. Hiện nay, các chủ thể nông nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX kém hiện đại, các nông hộ quy mô nhỏ và rất nhỏ. Trình độ công nghệ còn lạc hâu, mức độ ứng dụng CNTT của các chủ thể này còn rất thấp so với các doanh nghiệp lớn trong khu vực kinh tế khác. Tuy nhiên, chuyển đổi số mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, viết lại câu chuyên “cá lớn nuốt cá bé” thành “cá nhanh nuốt cá chậm”. Nó đòi hỏi tất cả mọi chủ thể kinh tế phải thực hiện từ đầu quy trình chuyển đổi để phù hợp với mục tiêu ứng dụng công nghệ số. Đôi khi, những doanh nghiệp nhỏ, chưa có nhiều ứng dụng CNTT lại có lợi thế chuyển đổi số nhanh hơn, nếu biết chọn cách tiếp cận đúng.

Không chỉ bất lợi trong cuộc chơi chuyển đổi số, quá trình chuyển đổi về chất của nông nghiệp sẽ va phải nhiều thách thức lớn trong bối cảnh mới. Quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ngày càng gắn chặt vào chuyển đổi của cấu trúc kinh tế đất nước, các nguồn lực phát triển ngày càng bị chia sẻ cho các lĩnh vực kinh tế khác, địa bàn khác. Trong khi tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, lao động nông thôn không còn lợi thế về số lượng và giá rẻ. Quan hệ nông thôn - đô thị ngày càng phức tạp, đa chiều, ràng buộc với nhau trong mô hình tăng trưởng bao trùm. Đô thị hóa, công nghiệp hóa và quá trình di dân, chuyển dịch lao động xã hội ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Quan hệ  giữa kinh tế và môi trường, kinh tế và văn hóa, nông nghiệp với phi nông nghiệp, kinh tế hộ với hiện đại hóa theo hướng 4.0 ngày càng bộc lộ nhiều mâu thuẫn… Và dù cơ cấu kinh tế đất nước có thay đổi thế nào, thì nông nghiệp, nông thôn vẫn sẽ giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, thậm chí là bệ đỡ vô cùng quan trọng cho an ninh, an sinh, an dân của đất nước có dân số trên 100 triệu người, ngày càng đối mặt với thiên tai, địch họa, Biển Đông sẽ luôn biến động, biến đổi khí hậu sẽ càng gay gắt.

Chỉ có bằng cách tiếp cận đúng, tranh thủ cơ hội chuyển đổi số để tăng thêm nguồn lực mới cho nông nghiệp vượt thoát ngoạn mục khỏi các thách thức nói trên. Để chớp được cơ hội bình đẳng trong chuyển đổi số rất cần sự vươn lên của chính các chủ thể nông nghiệp, nông thôn. Không phải chỉ có các doanh nghiệp sản xuất lớn có công nghệ hiện đại mới tham gia cuộc chơi. Họ chỉ là số ít trong nông nghiệp, chiếm chưa đến 0,02% tổng số các chủ thể nông nghiệp. Số còn lại chủ yếu là kinh tế hộ, chiếm 99,89% số đơn vị. Đó mới chính là phần nền tảng của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Họ buộc phải vận động để thực hiện tiến trình chuyển đổi số vừa có tính bắt buộc, vừa phải lựa chọn các bước đi phù hợp. Trước hết, cần phải nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, quy trình quản lý sản xuất. Trên cơ sở đó thực hiện số hóa, tiến đến ứng dụng công nghệ số với các bước chuyển: từ giấy sang số; từ can thiệp toàn diện của con người sang cơ chế tự động hóa; từ kiểu làm thủ công, mầy mò, du kích về ứng dụng CNTT sang cấp độ chuyên nghiệp…

Ảnh: Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX HTX rau quả Thắng Lợi (tại xã Sa Pả, Sa Pa).

Với các chủ thể nông nghiệp, việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng hàng nông sản theo kiểu truyền thống vốn đã là rất khó. Điều đó có nghĩa chuyển đổi số không cần chờ kết quả phát triển tới mức thật cao của sản xuất, mà nó phải bắt đầu ngay và trở thành một yếu tố quan trọng có tính đột phá của phát triển không ngừng lực lượng sản xuất, thúc đẩy hoàn thiện quan hệ sản xuất mới. Bởi xuất phát từ mức thấp, nguồn lực hạn chế, việc tham gia chuyển đổi số của nông nghiệp hơn ai hết không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi đơn vị phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh tham lam để rồi quá tải và lạc hướng.

Để chuyển đổi số thành công không chỉ cần các hoạt động tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, lợi nhuận, mà rất cần một nền tảng tư duy, văn hóa chuyển đổi. Đây là khâu yếu nhất của các chủ thể nông nghiệp. Không phải cứ dồn sức ứng dụng xong công nghệ số là chuyển đổi số thành công, mà nó còn phải tiếp tục diễn ra nhờ vào tư duy số hóa, văn hóa đổi mới không ngừng của các các nhân viên gắn với phát triển không ngừng của doanh nghiệp. Nghĩa là nó phải trở thành văn hóa mới của doanh nghiệp, được xây dựng và củng cố trong một chiến lược lâu dài và kiên định.

Chuyển đổi số là thay đổi mình trước, sau đó các chủ thể nông nghiệp hướng đến thay đổi khách hàng một cách thích ứng. Nếu vẫn còn cứng nhắc, coi khách hàng là “thượng đế” kiểu cũ, chạy theo đáp ứng mọi yêu cầu của họ, thì doanh nghiệp sẽ tự đánh mất bản sắc thương hiệu và triết lý phát triển, tương tự như đã xảy ra khi thợ thủ công chạy theo thị hiếu nhất thời, ngoại lai của khách hàng làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống trong sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco. Ảnh: Xuân Phú

Không thể để các chủ thể nông nghiệp loay hoay tự mình trở thành “cá nhanh” được. Họ cần hỗ trợ các nguồn lực cho phát triển công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ số, phát triển “nguồn nhân lực số”, xây dựng “văn hóa chuyển đổi số”… Nhìn vào hiện trạng các đơn vị nông nghiệp còn đang “cưỡi trâu”, Nhà nước cần biết phải có các chính sách gì để thúc đẩy chuyển đổi căn bản nông nghiệp theo hướng 4.0 trên xa lộ chuyển đổi số.

Trước thềm Năm Tân Sửu, Nhà Nông Việt Nam đang đau đáu mơ ước, đau đáu trăn trở về chặng đường mới giải phóng “Con Trâu”, chuyển từ “Cưỡi Trâu” sang cưỡi “Công nghệ số” để phi nhanh hơn, lột xác cùng vối tốc độ phát triển mới.

 

TSKH Bạch Quốc Khang

Chuyên gia KHCN Bộ Nông nghiệp và PTNT