Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội

09:44, 10/03/2022

Sáng 8/3, tại khu đô thị Splendora, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) phối hợp cùng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam tổ chức hội thảo Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, hội thảo là tiền đề để các đơn vị quản lý nhà nước và các doanh nghiệp chuyển đổi số nghiên cứu tham mưu và có giải pháp thực hiện linh hoạt, phù hợp, hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, để chương trình liên kết và hợp tác cũng như Chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần chủ trì phối hợp Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hàng năm. Cùng với đó, các đơn vị trong ngành nông nghiệp trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chuyển đổi số và các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí phát biểu kết luận Hội thảo

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí phát biểu tại Hội thảo.

Về phía các địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã cần chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị tư vấn, các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai Kế hoạch chuyển đổi số, chuyển đổi số nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022-2025 theo chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội tại Quyết định 4098/QĐ-UBND ngày 6/9/202; đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm kết nối các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ như Egap… để người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện được những sản phẩm đặc hữu của Thủ đô.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chuyển đổi số cần gắn kết chặt chẽ với các đơn vị phân phối, tiêu thụ và đơn vị sản xuất để tạo thành một hệ sinh thái minh bạch thông tin về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; các doanh nghiệp phân phối và tiêu thụ sản phẩm chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực để được tham vấn về cơ chế chính sách, quy hoạch và định hướng phát triển ngành hàng của từng cơ sở để liên kết hiệu quả bền vững. Liên kết chặt chẽ, bền vững giữa đơn vị sản xuất với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra cho sản phẩm với phương châm Win- Win (cùng thắng).

Ngoài ra, các đơn vị sản xuất tập trung cải tiến và ứng dụng công nghệ, như công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, chế biến sâu, kinh tế tuần hoàn đặc biệt là kinh tế số để tạo giá trị gia tăng và minh bạch sản phẩm. Đặc biệt sản xuất phải gắn với liên kết từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm để tăng tính bền vững, hiệu quả.

Các đơn vị, doanh nghiệp và hợp tác xã trao nhận hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm

Các đơn vị, doanh nghiệp và hợp tác xã trao nhận hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) cho biết, hợp tác xã đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín với diện tích 1,15ha và liên kết với các nhóm trồng rau trên địa bàn (100% sản phẩm rau đều được dán mã QR) để cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau, củ, quả mỗi ngày.

Tại hội thảo các đại biểu cũng cho rằng, thành công từ mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, thực tế cho thấy các chuỗi liên kết trong chế biến nông sản còn ít, quy mô chưa lớn; đầu tư cho công nghiệp chế biến vẫn thấp nên chưa nâng cao được giá trị nông sản thông qua chuỗi.

Mặt khác, một số doanh nghiệp, hợp tác xã chưa tìm được “đầu ra” ổn định nên khó mở rộng chuỗi liên kết... Trong chăn nuôi số lượng trang trại áp dụng công nghệ cao toàn phần ít, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý, điều hành. Nhiều trang trại chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nên số lượng trang trại có liên kết còn ít…

Theo ông Nguyễn Văn Chí, để thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, các đơn vị quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn trong triển khai nhiệm vụ, tham mưu tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong chương trình chuyển đổi số, kinh tế số và liên kết hợp tác. Đặc biệt, phải làm đầu mối để kiến tạo hệ sinh thái chuỗi giá trị từ: đơn vị sản xuất - doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào chất lượng cao - doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm - Hệ thống truyền thông Marketing - Người tiêu dùng cuối cùng để tương thích giữa các tác nhân trong yếu tố bên ngoài, bên trong của chuỗi, lên kết ngang và dọc trong chuỗi để sản xuất kinh doanh bền vững hiệu quả, trách lãng phí nguồn lực, khoa học và chất xám.

Về phía các chủ thể sản xuất cần xác định sản phẩm đưa ra thị trường là hình ảnh, thương hiệu, văn hóa, lịch sử con người của cá nhân, địa phương và cũng là quyền lợi, nghĩa vụ của các chủ thể với người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế. Đối với, các đơn vị truyền thông cần tuyên truyền các mô hình hiệu quả, cách làm hay, hình ảnh đẹp và phản ánh những điểm nghẽn trong thực tiễn để các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp và người dân nắm bắt. Từ đó, tham mưu thục hiện hiệu quả các chương trình, chiến lược chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đã đề ra...

Như Ý (T/h)