Chuyển đổi số: Làm thế nào để kế thừa và tiếp tục phát triển hiệu quả?

Minh Đức Hiệp 13:58, 12/06/2020

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã diễn ra mạnh hơn từ tháng 05/2019 và đang được tiếp tục đẩy mạnh tổng thể từ Chính phủ, Các Bộ, Cục, Sở và Các Doanh nghiệp,... nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch, giáo dục,... Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số...

Chuyển đổi số (Digital Transformation) và Số hóa (Digitizing)?

Theo Gartner chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới; Theo Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và qui trình để tạo những giá trị mới,...

Theo mô hình thương mại xã hội (Social Business) do Giáo sư Mohammad Yunus (Người nhận giải Nobel Hòa Bình vào năm 2006, do thành lập ngân hàng Grammen Bank - ngân hàng dành cho người nghèo) đã nghiên cứu và thiết kế mô hình, đã xuất bản sách và đã triển khai bao nhiêu năm qua với 03 trọng tâm (Con người: People - Qui trình: Process - Công nghệ: Technologies) thì với những khái niệm này đang là một phần nhỏ trong mô hình kinh doanh này. Phải chăng kết quả của Chuyển đổi số hiệu quả và thành công chính là các Doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện nay sang mô hình Thương mại xã hội (hay Thương mại tác động vào xã hội)?

Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, qui trình làm việc, văn hóa công ty...

Khái niệm “số hóa” (Digitizing) là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số,...). Có thể xem “Số hóa” như một phần của quá trình “Chuyển đổi số”. 

Cách đây không lâu Giáo sư Hồ Tú Bảo, thuộc Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), cho rằng doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ không thể nói “không” với chuyển đổi số: “Chuyển đổi số là con đường tất yếu, các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược theo đuổi một cách cụ thể, có sự đầu tư đúng đắn cho những công cụ quan trọng của chuyển đổi số như AI, khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh…”; hay Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, từng có giải thích một mấu chốt về: “số hóa” là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn “Chuyển đổi số” là khi có dữ liệu được số hóa rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.

Nhìn lại các con số về Chuyển đổi số trong những năm qua tại Việt Nam và Quốc tế làm cơ sở phân tích để làm thế nào có thể kế thừa và tiếp tục phát triển hiệu quả hơn

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.

Còn theo công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.

Trong tháng 4/2019, Cisco công bố báo cáo "Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương", thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),... Dù vậy báo cáo cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).

Và có những thông tin khảo sát rất hữu ích từ đất nước Thái Lan về chuyển đổi số: “Đa phần lãnh đạo (76%) nắm được khái niệm của công nghệ đột phá, trong đó có 69% thừa nhận rằng công nghệ đang gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh hiện nay của mình. Tất cả đều kể tên được những công nghệ gây đột phá nhất, với 73% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục ảnh hưởng từ 3 đến 5 năm tới.”

Phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân tại Thái Lan tin rằng Công nghệ đột phá sẽ đem lại không ít rủi ro, nhưng có đến tận 71% tổ chức tự tin với khả năng Chuyển đổi số của mình.

Những con số, kết quả tại Việt Nam

Theo VCCI, hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.

Thông tin từ Doanh nghiệp: Viettel IDC là đơn vị đã bắt đầu cung cấp dịch vụ Cloud từ năm 2013 và đang chiếm hơn 30% thị phần toàn ngành Cloud (IaaS) - tốc độ tăng trưởng 100% (so với tốc độ tăng trưởng thế giới là 27,5% - thông tin theo Gartner).

Hoặc mới đây theo thông tin Giải Sao Khuê 2020, Hệ thống thông tin một cửa Quốc gia áp dụng cho các hoạt động về thủ tục hải quan (tính đến nay, hệ thống đã số hoá được 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành, xử lý được 2,6 triệu hồ sơ của 34.000 doanh nghiệp. Tổng số tiền tiết kiệm được ước tính khoảng 4,55 tỷ USD, tương ứng 106,9 nghìn tỷ đồng). Hệ thống này cũng đã kết nối chính thức cơ chế một cửa ASEAN với 6 nước (gồm: Brunei, Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan) và dự kiến mở rộng kết nối với nhiều tổ chức thương mại quốc tế khác.

...

Những vấn đề và hiện trạng cần suy ngẫm

Ngoài những giá trị đạt được thì cũng còn nhiều những con số cần suy ngẫm, ví dụ sau đây về giáo dục trong công cuộc thực hiện “chuyển đổi số”:

  • Bộ GD&ĐT có ít nhất 03 hệ thống như: cơ sở dữ liệu ngành giáo dục (http://csdl.moet.gov.vn ), Phần mềm phổ cập giáo dục (http://pcgd.moet.gov.vn ), giáo dục điện tử (http://giaoducdientu.hnegov.vn ),...

  • Sở GD&ĐT có ít nhất 04 hệ thống như: tuyển sinh trực tuyến (http://tsdaucap.hanoi.gov.vn ), hệ thống thi đua khen thưởng - skkn (http://thidua.hanoi.gov.vn) , sổ điểm điện tử  - quản lý giáo dục điện tử, sổ liên lạc điện tử pino, hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan (http://study.hanoi.edu.vn ), …

  • Các Phòng Giáo dục thuộc  nhánh quản lý của UBND cũng có những hệ thống như: ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan (http://viettelstudy.vn ), phần mềm eSAM,...

  • Và nhiều các hệ thống khác nữa như: phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục (http://kdcl.edu.viettel.vn), phần mềm tính toán khẩu phần ăn cho trẻ mầm non, các cổng thông tin giáo dục của UB, Bộ, Sở, và của các trường,...

  • Ngoài ra, tùy mỗi trường cũng tự trang bị thêm các hệ thống, các phần mềm khác nữa để phục vụ cho các hoạt động của trường,...

Khi được tiếp xúc với một số hiệu trưởng các trường, các chuyên viên phụ trách, các học sinh, phụ huynh học sinh đều nêu ra một hiện trạng là  “có nhiều hệ thống quá, nhiều phần mềm quá, và phải nhớ nhiều tài khoản để sử dụng trên hơn 10 hệ thống, phần mềm… để có thể quản lý, trao đổi, tương tác, vận hành, giảng dạy và học tập, các hoạt động tuyển sinh và thi cử,...

Chuyển đổi số, xu hướng không thể không dịch chuyển! Tuy nhiên, nếu không có sự phân tích hiện trạng, không có phương án tổng thể, không có sự liên kết liên ngành và đồng bộ nhất quán, không biết thừa hưởng những giá trị - những hệ thống - những công cụ đã trang bị và đang sử dụng, không cùng thay đổi tư duy và cùng nhiệt huyết cho sự văn minh & phát triển xã hội, không cùng nhau nâng cao kiến thức - học tập kinh nghiệm về Chuyển đổi số, các kết quả thực tiễn từ các nước bạn, v.v… thì không những kết quả sẽ không được nhiều mà còn ngày một khó khăn hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số.

Minh Đức Hiệp.