Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam cần tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm

07:31, 19/09/2021

Ngành nông nghiệp là một trong những ngành chủ chốt, những năm qua nhiều địa phương đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp và quản trị nông thôn.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là việc làm cần thiết để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày càng nhiều đơn vị đã tiếp cận và sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp,… Một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Tại Hội thảo Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp 2021, ông Lê Văn Thành, Chánh văn phòng, Thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, có rất nhiều thực tiễn hay mà người nông dân có thể tiếp thu, áp dụng để nâng cao chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Để xây dựng mô hình nông nghiệp thành công, cần dẫn dắt, hỗ trợ và tổ chức thực hiện chuyển đổi số trong cả chuỗi từ quản lý, cung cấp các dịch vụ đầu vào như thức ăn, kiểm soát quá trình nuôi, dịch bệnh đều được thực hiện một cách bài bản.

Ông Tan Siang Hee, đại diện CropLife cho biết, một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững luôn gắn liền với việc ứng dụng các giải pháp nông nghiệp tiên tiến một cách có trách nhiệm.

1.500 đại biểu tham gia Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam.

Các giải pháp nông nghiệp tiên tiến ở đây chính là toàn bộ các công cụ, giải pháp ứng dụng trong chuỗi giá trị thực phẩm. Theo đó, từ những giải pháp về chọn tạo giống cây trồng, bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cho cây trồng, tới các phương thức kỹ thuật giúp tối ưu hóa hiệu quả canh tác và quản lý đồng ruộng cho người dân, các giải pháp thông minh hỗ trợ chuỗi sản xuất – chế biến, cung ứng và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Trong đó, số hóa có thể coi là một trong các giải pháp.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đều cho rằng, phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, đồng thời đưa ra một số điều kiện để Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu này đó là: nâng cao cơ sở hạ tầng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nông nghiệp; thay đổi tư duy và thói quen canh tác từ mô hình nhỏ lẻ theo hướng hiện đại hóa; chuẩn bị nguồn lực tài chính và tiếp cận mọi công nghệ cần thiết,…

Sau khi nghe các diễn giả thảo luận, ông Kohei Sakata, Giám đốc bộ phận Nông nghiệp Kỹ thuật số khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Bayer nhận định: tập trung chế biến sâu sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường toàn cầu và nâng cao giá trị sản phẩm nuôi trồng. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ sẽ thúc đẩy công tác quản lý dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc.

Từ đó để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các Bộ, ngành liên quan, còn phải để đến sự đóng góp của các tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực này.

Cụ thể, để gắn kết các đối tác trong chuỗi giá trị, Bayer thiết lập khả năng tương tác trên nhiều ứng dụng, nền tảng canh tác kỹ thuật số. Thay vì thu thập dữ liệu từ một công ty hay hệ thống, Bayer phát triển giải pháp cho phép chia sẻ dữ liệu để phân tích nâng cao, đồng thời đảm bảo quyền riêng tư, bảo mật thông tin của cả nông dân và cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp này còn xây dựng giải pháp lấy con người làm trọng tâm, phát triển trải nghiệm khách hàng, hoàn thiện ứng dụng kỹ thuật số cho nông hộ nhỏ. Theo ông Kohei Sakata, Bayer đang tìm kiếm, thiết lập quan hệ với đối tác để giải quyết khó khăn của nông dân.

Theo một khảo sát công bố gần đây bởi tổ chức CropLife châu Á, khi hỏi 130 nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam, có 42% trong số họ cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, nếu nhìn nhận đây là một tỷ lệ chưa cao, thì có thể đó là dấu hiệu cho thấy nông dân trong nước có thể tò mò nhưng không thực sự chắc chắn về số hóa là gì và làm thế nào để nắm bắt.

Triển lãm thực tế ảo về nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam. Gian hàng trưng bày sản phẩm Nghêu MSC Bến Tre.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ khác, khi so với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất. Vì vậy, có thể thấy rằng nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực.

Đây là cơ hội rất lớn cho các đối tác trong chuỗi sản xuất thực phẩm – nông nghiệp tiếp tục hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới; triển khai các chương trình đào tạo tập huấn để nông dân hiểu và sử dụng các công nghệ đó một cách hiệu quả, an toàn và bền vững với mục tiêu đảm bảo cơ hội tiếp cận và tăng tỷ lệ ứng dụng công nghệ vào canh tác thực tiễn.

Theo/vnautomate.net