Có hay không việc hủy thi chọn đội tuyển Olympic là hợp lý?

14:21, 07/05/2020

Trước thông tin Bộ GD&ĐT ra văn bản về việc không tổ chức thi chọn đội tuyển Olympic khu vực và quốc tế. Nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra trên các diễn đàn. “Sốc” là từ ngữ miêu tả cảm xúc của các bậc phụ huynh và học sinh ngay lúc này.

Trước thông tin đẩy lùi thời gian tổ chức kỳ thi chọn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2020. Đội ngũ giáo viên và những học sinh có tên trong danh sách triệu tập dự thi vẫn tích cực chuẩn bị cho kỳ thi. Chính bởi vậy, ngay khi có công văn thông báo của Bộ GD&ĐT, nhiều phụ huynh, giáo viên đã tỏ ra vô cùng tiếc nuối. Còn những học sinh trong danh sách dự thi thì vẫn chưa hết bàng hoàng. Cũng chính bởi vậy, nhiều ý kiến trái chiều đã “nổ” ra trên các diễn dàn giáo dục.

Nên tìm ra hướng đi mới thay vì hủy?

Mặc dù không thể tổ chức thi như mọi năm do dịch bệnh Covid – 19 kéo dài, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng Ban tổ chức vẫn nên tìm ra một phương thức tổ chức thi mới cho các thi sinh. Bởi đây là niềm hi vọng cũng như sự cố gắng không ngừng nghỉ của các học sinh có tên trong danh sách.

Ngoài ra, việc hủy bỏ hoàn toàn kỳ thi sẽ dẫn đến tình trạng chán nản, “sốc” đối với các thí sinh và ngay cả phụ huynh cũng vậy. Cụ thể, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Hiện một số nước chủ nhà các môn đã có kế hoạch tổ chức kỳ thi Olympic như thi trực tuyến hoặc lùi thời gian thi. Nếu các nước đã tổ chức thì Việt Nam cũng nên cho học sinh tham gia. Còn phương thức thi chọn đội tuyển thì có thể trao đổi phương án để phù hợp với tình hình dịch bệnh”.

Bên cạnh đó, thầy Trần Nam Dũng, phó hiệu trưởng trường Phổ thông năng khiếu, TPHCM cũng chia sẻ: “Khi thấy công văn thông báo hủy kỳ thi chọn đội tuyển tuyển quốc gia dự thi Olympic học sinh có tên trong danh sách triệu tập dự thi chọn đội tuyển quốc tế các môn toán, tin, lý, hóa, sinh có chung cảm giác là buồn và sốc. Mặc dù giải pháp không tổ chức thi là giải pháp an toàn cho cơ quan quản lý. Nhưng nên tách các môn, không đánh đồng, tùy tình hình xử lý để tạo cơ hội cho thí sinh”.

“Ví dụ như kỳ thi Olympic Toán học (IMO), theo lịch thông báo của nước Nga, nước chủ nhà, lịch thi được rời sang giữa tháng 9. Họ cũng đưa ra 3 phương án. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, sẽ thi bình thường vào giữa tháng 9; Nếu tình hình một số nước còn khó khăn, những nước đó có thi trực tuyến; nếu dịch bệnh vẫn phức tạp, các nước đều có thể tham gia thi trực tuyến tại nước mình.

Kỳ thi Olympic sinh học quốc tế ở Nagasaki (Nhật Bản) vào tháng 7 sẽ bị hủy và được thay thế bằng kỳ thi trực tuyến trong hai ngày 11, 12 tháng 8. Ban tổ chức kỳ thi vật lý quốc tế thì thông báo sau 15/5 sẽ có phương án.

Kỳ thi Olympic sinh học quốc tế ở Nagasaki (Nhật Bản) vào tháng 7 sẽ bị hủy và được thay thế bằng kỳ thi trực tuyến trong hai ngày 11, 12 tháng 8. Ban tổ chức kỳ thi vật lý quốc tế thì thông báo sau 15/5 sẽ có phương án.

Theo tôi cần chắt chiu mọi cơ hội để học sinh của chúng ta được tham dự kỳ thi Olympic quốc tế” – Thầy Trần Nam Dũng chia sẻ thêm. 

Không tổ chức thi là phương án an toàn?

Trước những ý kiến cho rằng nên tìm ra một phương thức thi mới thay vì hủy bỏ thì nhiều kiến nghị cũng được đưa ra rằng nên hủy hoàn cuộc thi bởi đây là phương án an toàn, nhất là khi các nước vẫn đang “gồng mình” chống dịch còn Việt Nam gần như đã khống chế được dịch bệnh.

Cụ thể, TS. Nguyễn Ngọc Hà, trưởng đoàn Olympic Hóa học Việt Nam lại cho rằng: “Việc tổ chức thi tuyển chọn đội tuyển trong bối cảnh hiện nay sẽ khó khăn vì an toàn của cả thầy và trò cần được đặt lên hàng đầu. Đây là việc bất khả kháng. Khi tổ chức thi sẽ bao gồm các khâu soạn thảo, ra đề, thi… tất cả các khâu này đều phải tập trung học sinh, giáo viên, trong khi nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn có thể xảy ra”.

“Năm nay Olympic Hóa học được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến thời điểm hiện tại, ban tổ chức mới lấy ý kiến có nên tổ chức thi trực tuyến hay không và chưa có quyết định cuối cùng. Bên cạnh đó, việc thi trực tuyến không phải là không có bất cập. Vì để kiểm soát chất lượng kỳ thi, ban tổ chức chắc chắn sẽ phải cử người sang các nước để giám sát. Như vậy, lại có nguy cơ về phòng chống dịch. Thi trực tiếp liên quan đến việc di chuyển bằng máy bay trong bối cảnh dịch như hiện nay ở các nước, nỗi lo này không phải không có cơ sở. Do đó, thời điểm hiện nay, vấn đề an toàn là quan trọng nhất” - TS. Nguyễn Ngọc Hà cho biết thêm 


Không tổ chức đội tuyển quốc gia thi Olympic quốc tế vì dịch Covid-19

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản số 1569/BGDĐT-QLCL gửi thông báo tới các Sở Giáo dục và Đào tạo, các ĐH quốc gia, khu vực, các trường ĐH có trường THPT chuyên về việc không tổ chức thi chọn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2020, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Trước đó, ngày 13/3/2020, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có công văn số 400/QLCL-QLT về việc lùi thời gian tổ chức kỳ thi chọn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2020.

Trong những năm qua, các đội tuyển quốc gia dự các cuộc Olympic khu vực và quốc tế ở các môn hầu hết đều giành giải cao, mang về những thành tích đáng khích lệ. Gần đây nhất, năm 2019, học sinh thuộc các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế ở các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học và Sinh học đều đoạt huy chương, trong đó có nhiều huy chương vàng.

Theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh giành được huy chương trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế được ưu tiên xét tuyển thẳng vào các trường đại học trong nước.

PV (T/h)