Công nghệ AI được sử dụng trong phòng chống lao phổi tại Việt Nam

22:11, 23/09/2020

Việc đưa công nghệ AI vào lĩnh vực y tế sẽ giúp tăng khả năng sống sót của bệnh nhân lao. Điều này cũng đúng với cả các bệnh lý khác như ung thư, tim mạch

Trí tuệ nhân tạo hay AI là một khái niệm phức tạp dùng để chỉ khả năng nhận thức và suy nghĩ của máy móc. Việc phát triển công nghệ AI xuất phát từ nhu cầu tăng năng lực tính toán trong bối cảnh lượng dữ liệu cần xử lý ngày một lớn. 

Tại Việt Nam, nước ta cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ vào trong lĩnh vực y tế. Mặc dù vậy, việc ứng dụng AI tại Việt Nam nghiêng theo hướng ứng dụng hơn là tự phát triển. 

Công nghệ AI đang ngày càng ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam.

Bệnh viện Phổi trung ương là một trong những cơ sở y tế sớm nhất tại Việt Nam ứng dụng những kết quả nghiên cứu của công nghệ AI. Tại đây, trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong quá trình chẩn đoán nhằm phát hiện lao phổi để điều trị sớm, cắt đứt nguồn lây và điều trị cả cho những người có nguy cơ tiến triển thành bệnh lao. 

Theo PGS. TS. BS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống lao phổi tại Việt Nam. 

Bệnh lao và phổi nói chung xuất phát từ việc môi trường sống ô nhiễm. Đây cũng là hai trong nhiều căn bệnh phổ biển hàng đầu hiện nay. 

Số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng, trong khi năng lực khám chữa của các bệnh viện không tương xứng. Do vậy, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp giải quyết cùng lúc hai bài toán, giảm khối lượng công việc của bác sĩ và tăng năng lực khám chữa bệnh.

PGS. TS. BS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ về việc sử dụng công nghệ AI để phòng, chống lao phổi tại tọa đàm "Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế.

Chia sẻ thêm về điều này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, 70% số người nhiễm lao có triệu chứng không ổn định. Với những trường hợp có triệu chứng ẩn hoặc không có triệu chứng, bác sĩ chỉ có thể phát hiện bệnh thông qua phim chụp X-Quang. 

 "Công nghệ sẽ hình ảnh hoá những bất thường dù nhỏ nhất, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra quyết định có đưa bệnh nhân này vào diện nguy cơ cần khám kỹ hơn hay không.", bác sĩ Nguyễn Viết Nhung nói.

Ở thời điểm hiện tại, việc sử dụng AI để phát hiện những bất thường trong kết quả chụp X-Quang có tỷ lệ chính xác lên tới 92%. Trong khi đó, nếu chỉ dựa vào các biện pháp lâm sàng như ho gà, tỷ lệ phát hiện chỉ chiếm dưới 40%. 

Nhờ ưu điểm về độ chính xác cao, công nghệ AI đang được ứng dụng rộng rãi trong việc phòng chống lao phổi. Ngoài ứng dụng AI để đọc X-Quang trong các bệnh viện, việc kết hợp sử dụng AI với các xe chụp X-quang di động mang tới một giải pháp rất tốt nhằm phát hiện sớm nguy cơ lao phổi trong cộng đồng. 

TS. Trần Thị Mai Oanh - Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Y tế) cho rằng công nghệ AI có tiềm năng ứng dụng cao trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam

Theo TS. Trần Thị Mai Oanh - Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Y tế), Việt Nam có thể ứng dụng AI trong việc theo dõi sức khoẻ cá nhân nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh, phát hiện sớm ung thư, tim mạch, theo dõi diễn biến bệnh hay giúp bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc,... 

Tuy vậy, theo bà Oanh, để ứng dụng AI một cách hợp lý, Việt Nam nên có khung pháp lý cho vấn đề này. Trong đó, AI cần được coi như một loại hình dịch vụ y tế và có quy trình hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật nhằm phân định rõ trách nhiệm giữa bác sĩ, bệnh nhân và đội ngũ phát triển công nghệ AI.

 

Theo vietnamnet.vn

TIN LIÊN QUAN