Công nghệ sinh học trong nghiên cứu, sản xuất giống cây lâm nghiệp

16:20, 20/12/2021

Ứng dụng công nghệ sinh học đang được ngành lâm nghiệp chú trọng trong việc nghiên cứu, sản xuất giống cây lâm nghiệp, nhất là giống phục vụ trồng rừng gỗ lớn.

Theo Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), thông qua ứng dụng các tiến bộ công nghệ sinh học, những năm gần đây, Viện đã tạo ra nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất và chất lượng cao, cũng như nhân nhanh các giống mới vào sản xuất.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng tạo ra các kít chẩn đoán và các chế phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi và bảo vệ môi trường.

Những năm qua, các tiến bộ về nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã dần thay thế các giống cây lâm nghiệp cũ có chất lượng thấp. Ảnh: ĐT.

Những năm qua, các tiến bộ về nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã dần thay thế các giống cây lâm nghiệp cũ có chất lượng thấp.

Do đó, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, trong đó có ngành lâm nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp là đơn vị nghiên cứu đầu ngành lâm nghiệp về ứng dụng công nghệ sinh học trong cải thiện giống cây rừng.

Hiện nay, các nghiên cứu về công nghệ sinh học của Viện được định hướng theo 3 hướng chính. Thứ nhất, nghiên cứu hoàn thiện các quy trình nhân giống cho các giống mới được chọn tạo phục vụ cho công tác chuyển giao kỹ thuật nhân giống cùng giống gốc cho các đơn vị nghiên cứu và sản xuất giống.

Hướng nghiên cứu thứ 2 là sử dụng chỉ thị phân tử trong nghiên cứu chọn giống có năng suất, chất lượng cao và cuối cùng là chọn tạo giống mới bằng tạo đột biến và công nghệ gen, và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Đến nay, Viện đã nghiên cứu, xây dựng thành công các quy trình nhân giống cho gần 30 giống keo lai, keo lá tràm, bạch đàn và bạch đàn lai, đã chuyển giao cho nhiều cơ sở sản xuất.

Một số quy trình nhân giống ở quy mô công nghiệp đã được Viện hoàn thiện thông qua việc tiến hành các đề tài và dự án sản xuất thử nghiệm, trong đó đã có 2 quy trình nhân giống được công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Mô hình khuyến nông sử dụng giống keo nuôi cấy mô của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu sản xuất tại Phú Yên, bước đầu có kết quả rất khả quan. Ảnh: Tùng Đinh.

Mô hình khuyến nông sử dụng giống keo nuôi cấy mô của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu sản xuất tại Phú Yên, bước đầu có kết quả rất khả quan.

Ngoài ra, Viện đã chuyển giao quy trình vi nhân giống quy mô công nghiệp cho trên 30 cơ sở sản xuất trên cả nước. Các cơ sở này đã làm chủ được công nghệ, một số đơn vị đã có thể tiến hành sản xuất được 10 triệu cây giống/năm đáp ứng một phần nhu cầu trồng rừng dòng vô tính.

Điển hình như để thúc đẩy trồng rừng thâm canh gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Sở NN-PTNT Phú Yên triển khai “Dự án xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận” tại các huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa (Phú Yên).

Sau 2 năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ 59 hộ dân tại các xã Xuân Quang 2 và xã Xuân Long huyện Đồng Xuân; các xã Sơn Phước, Sơn Hội và Cà Lúi huyện Sơn Hòa xây dựng 95 ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn các dòng keo lai, giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, có chất lượng cao và sạch bệnh.

Sử dụng các chỉ thị phân tử, kỹ thuật chuyển gen, chỉnh sửa gen trong nghiên cứu, sản xuất giống cây lâm nghiệp sẽ là một trong những hướng nghiên cứu đột phá và được chú trọng trong giai đoạn tới. Ảnh: TĐ.

Sử dụng các chỉ thị phân tử, kỹ thuật chuyển gen, chỉnh sửa gen trong nghiên cứu, sản xuất giống cây lâm nghiệp sẽ là một trong những hướng nghiên cứu đột phá và được chú trọng trong giai đoạn tới.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp: Những năm qua, nghiên cứu, chuyển giao ra sản xuất về giống cây lâm nghiệp đã đạt những kết quả tốt, từng bước ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào chọn tạo giống, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trồng rừng sản xuất cho cả nước. 

Tuy nhiên nhìn chung, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu nên chưa phản ánh hết được tiềm năng của công nghệ sinh học trong nghiên cứu chọn giống cây rừng.

“Trong thời gian tới, ngoài việc triển khai các nghiên cứu chọn tạo giống theo phương pháp truyền thống dựa trên các biến dị tự nhiên, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó có việc sử dụng các chỉ thị phân tử, kỹ thuật chuyển gen, chỉnh sửa gen sẽ là một trong những hướng nghiên cứu đột phá và được chú trọng phát triển.

Từ đó, nâng cao vai trò và tỷ lệ đóng góp của công nghệ sinh học trong các chương trình chọn giống cây rừng”, TS Nguyễn Đức Kiên cho biết thêm.

Theo/nongnghiep.vn