Công nghệ Thông tin có thể giúp gì cho người cao tuổi?

Nguyệt Hằng 11:08, 22/04/2020

Trong thời đại cách mạng 4.0 như hiện nay thì các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các nhà xã hội học nên xem xét một số chiến lược liên quan đến công nghệ để thúc đẩy kết nối lớn hơn giữa các cộng đồng người cao tuổi. Mặc dù công nghệ không thể thay thế các tương tác xã hội trực tiếp, nhưng công nghệ có thể là một phần của giải pháp.

Theo báo cáo của UNFPA, già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Điều này có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng lớn đến tất cả các khía cạnh của xã hội. Trên thế giới, cứ một giây, có hai người tổ chức sinh nhật tròn 60 tuổi – trung bình một năm có gần 58 triệu người tròn 60 tuổi. Hiện nay trên thế giới cứ chín người có một người từ 60 tuổi trở lên và con số này dự tính đến năm 2050 sẽ tăng lên là cứ năm người sẽ có một người từ 60 tuổi trở lên. Do vậy hiện tượng già hóa dân số không thể không được quan tâm.

Theo một nghiên cứu gần đây của IBM thì sự cô đơn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cá nhân, kinh tế và xã hội ở người lớn tuổi, phác thảo vai trò chính của công nghệ trong việc thúc đẩy thay đổi tích cực. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các nhà xã hội học nên xem xét một số chiến lược liên quan đến công nghệ để thúc đẩy kết nối lớn hơn giữa các cộng đồng người cao tuổi. Mặc dù công nghệ không thể thay thế các tương tác xã hội trực tiếp, nhưng nếu được thực hiện tốt, công nghệ có thể là một phần của giải pháp.

Hiện tại, các cơ quan chính phủ, thành phố và cộng đồng, mạng lưới bệnh viện, các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế và các nhà cung cấp viễn thông đều có thể nhanh chóng xây dựng các giải pháp hiệu quả về chi phí bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ đã mở đường cho ứng dụng nhận thức số trong các nền tảng chăm sóc sức khỏe. Các nền tảng này có thể sử dụng các tính năng được cá nhân hóa nhằm đáp ứng nhu cầu mỗi cá nhân, như ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng khuôn mặt và khả năng tích hợp dữ liệu.

Không thể áp dụng một chính sách chung đồng nhất cho nhóm người cao tuổi. Điều quan trọng là không nên coi nhóm người cao tuổi là một nhóm đối tượng duy nhất mà phải nhìn nhận người cao tuổi một cách đa dạng như bất kỳ nhóm tuổi nào khác về các khía cạnh tuổi, giới tính, dân tộc, giáo dục, thu nhập và sức khỏe. Mỗi nhóm người cao tuổi, như các nhóm người cao tuổi nghèo, phụ nữ, nam giới, nhóm già nhất, nhóm người dân tộc, nhóm không biết đọc biết viết, nhóm nông thôn hay thanh thị, đều có nhu cầu và mối quan tâm cụ thể cần được giải quyết thông qua các chương trình và mô hình can thiệp dành riêng cho họ.

Các giải pháp cần để thích ứng với nhận thức của người cao tuổi đều phải được cá nhân hóa. Điều đó để chứng minh người lớn tuổi hoàn toàn có khả năng thích nghi với công nghệ mới. Ví dụ, IBM và Đại học London (UCL) đã ra mắt Mạng lưới trao đổi công nghệ IBM (IBM IXN), một quan hệ đối tác giáo dục quốc tế nhằm phát triển các chương trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm, cho phép sinh viên truy cập trực tiếp vào các chương trình mới trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi. IBM IXN đang tạo ra một ứng dụng thực tế ảo sử dụng IBM Watson tùy chỉnh phù hợp với người dùng cao tuổi, có khả năng giúp giải quyết tình trạng cô đơn tại thời điểm then chốt hiện nay.

VTV cũng cho biết, mặc dù, đã có nhiều chương trình thí điểm và cả các chương trình CNTT sẵn có dành cho người cao tuổi, nhưng các chương trình này đều hoạt động độc lập. Điều này giới hạn khả năng mở rộng và phục vụ nhiều người dùng hơn nữa. Các giải pháp trong tương lai cần cung cấp cả khả năng mở rộng và liên kết nhằm đảm bảo hiệu quả về chi phí.

Vì không một tổ chức nào có thể giải quyết vấn đề này một mình, các giải pháp cần được thiết kế để giúp mọi người kết nối với các bên liên quan và các nhà cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả và nhanh chóng, bao gồm các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng, cơ quan chính phủ và các tổ chức chăm sóc sức khỏe. Thông tin chi tiết từ dữ liệu được chia sẻ sẽ tạo ra một sự khác biệt quan trọng trong mỗi cộng đồng và quốc gia.

Khi chúng ta bắt đầu làm quen với những khái niệm “bình thường mới” để cuộc sống dần quay trở lại, đây cũng là thời điểm cần cân nhắc các ưu tiên về sức khoẻ cộng đồng và xã hội, mà trong đó, người cao tuổi cũng có thể nhận được sự quan tâm chính đáng để đảm bảo rằng không một ai bị bỏ lại.

Nguyệt Hằng