Công nghệ Thông tin vẫn luôn là ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao nhất Việt Nam

10:20, 16/09/2020

Thời gian gần đây, cụm từ “Cuộc cách mạng công nghệ 4.0” trở nên phổ biến trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Công nghệ ngày càng phát triển và có khả năng suy nghĩ thay chính con người thậm chí nguy cơ robot thay thế con người là hoàn toàn có thật ở Việt Nam.

Với nhiều người, nhiều ngành nghề khác, sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng này chưa rõ ràng nhưng riêng ngành công nghệ thông tin, tác động tích cực từ cuộc cách mạng này được biểu hiện rất mạnh mẽ bởi lẽ nhu cầu tuyển dụng ngành này rất sôi động bất chấp nguy cơ thất nghiệp các ngành khác đang gia tăng.

Những năm gần đây, mạng xã hội đang bùng nổ trên toàn thế giới, các thiết bị điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Ngành Công nghệ Thông tin ở Việt Nam tuy không còn quá lạ lẫm, nhưng mức độ phát triển của ngành này vẫn ít nhiều còn hạn chế.

Theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, trong ngành này chỉ có khoảng 15% lượng sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.

Một con số khác trên báo Tuổi Trẻ cho thấy: trong giai đoạn 2013 - 2015, ngành CNTT ở TP.HCM cần khoảng 23.000 - 25.000 người lao động mỗi năm; và trong vòng 5 năm tới, cả nước cần 411.000 người. Điều đó đủ cho thấy ngành này chưa bao giờ ngừng “cơn khát” nhân lực. 

Trong tương lai, Việt Nam sẽ thiếu nguồn nhân lực cho ngành CNTT. Mỗi năm thị trường chỉ cung cấp được khoảng 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. 

Theo đó sinh viên mới ra trường ngành này có thu nhập từ 8-12 triệu đồng/tháng và sẽ tăng đáng kể chỉ sau 1 năm. Lương với người có 2 năm kinh nghiệm dao động từ 17-18,5 triệu đồng. Đây là những người được săn đón nhất khi chiếm tới 75% nhu cầu thị trường tuyển dụng.

Vị trí giám đốc lương còn khủng hơn khi các công ty cho biết sẵn sàng trả mức lương 52,2-64,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vị trí này hiện chỉ chiếm 1% nhu cầu của thị trường tuyển dụng và hiện cũng là vị trí đang khó tuyển hàng đầu.

Ngay cả các vị trí Support, Helpdesk có mức lương thấp nhất trong ngành IT nhưng cũng dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng. Với vị trí đứng đầu là CIO có mức lương từ 100-150 triệu đồng và đòi hỏi tối thiểu 15 năm kinh nghiệm. Vị trí giám đốc IT cũng nhận con số khủng từ 60-100 triệu đồng mỗi tháng.


Không những thế ở một số nước trên thế giới, hiện nay có rất nhiều công ty mạng sẵn sàng chi trên 1.000 USD để mời về cho mình những lập trình viên, những kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, thiết kế lập trình game, an ninh mạng,… thông thạo tiếng Anh cũng như đáp ứng được trình độ chuyên môn. Và ngành Công nghệ Thông tin vì thế, từ lâu đã là ngành học lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn đam mê công nghệ.

Thu nhập tốt nhưng theo nhiều đánh giá cung cầu ngành công nghệ thông tin đang mất cân đối nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2018, thị trường cần 350.000 lập trình viên, gấp 20 lần so với năm 2016. Trong khi đó thị trường hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 200.000 lập trình viên, tức là thiếu 150.000 nhân lực.

Tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng cao không đồng nghĩa với chất lượng ngành công nghệ thông tin cũng tương xứng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng nhận xét rằng: “Có ý kiến nói do chính sách của Nhà nước, do doanh nghiệp của Việt Nam yếu nhưng điều quan trọng ai cũng nhận ra là lực lượng làm CNTT của chúng ta còn mỏng về số lượng, yếu về chất lượng”. Có nhiều trường hợp, nhà tuyển dụng dù sẵn sàng trả xứng đáng với năng lực, tuy nhiên nhiều khi vẫn bị sốc khi nghe mức lương đề nghị từ một vài ứng viên.

Cái khổ của doanh nghiệp không chỉ là nhân lực đầu vào mà còn bởi tính đứng núi này trông núi nọ với tình trạng nhảy việc liên tục. Một phần nguyên nhân đến từ việc sẵn sàng phá giá, trả lương vượt khung rất cao để thu hút nhân sự trong ngành. Thậm chí các công ty gia công phần mềm còn cho biết họ chỉ dám tuyển dụng những sinh viên mới ra trường rồi đào tạo chứ rất hạn chế tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm bởi các ứng viên hét giá quá cao.

Nhu cầu tuyển dụng cao, mức lương cao chắc chắn sẽ là một động lực lớn khiến các bạn trẻ đổ xô đi học ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên nếu chỉ tập trung cho số lượng thay vì chất lượng rất có thể tới một lúc nào đó, một cuộc khủng hoảng nhân sự trong ngành công nghệ thông tin sẽ diễn ra. Do đó với các bạn trẻ đã và đang theo học ngành “hot” này, thay chỉ vì nghĩ tới tương lai nghề nghiệp rộng mở cũng cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng để đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra trong tương lai.

Khi theo học ngành công nghệ thông tin, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức liên quan đến việc nghiên cứu phát triển ứng dụng hệ thống phần mềm. Qua đó, sinh viên sẽ có kiến thức nền tảng cũng như chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin để có thể nâng cao tay nghề. Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ được trang bị kiến thức về an toàn và bảo mật thông tin mạng – một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Học công nghệ thông tin trường nào?

- Đại học Bách Khoa Hà Nội

- Học viện An ninh nhân dân

- Đại học Công nghệ – Đại học Quốc Gia Hà Nội

- Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc Gia TPHCM

- Đại học Kinh tế Quốc Dân

Nguồn: Trung tâm dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM