Công ty JVE vẫn muốn tiếp tục dùng công nghệ Nhật Bản xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

Nguyệt Hằng 14:28, 17/06/2020

JVE bày tỏ muốn tiếp tục được thực hiện dự án làm sạch sông Tô Lịch tại Hà Nội nhưng có sự kết hợp của hệ thống cống ngầm thu gom nước thải mà thành phố đang triển khai.

Tại buổi giao ban Báo chí Thành ủy chiều 16/6, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về việc xử lý nước thải, trong đó có hoạt động xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản.

Thành phố đã họp và yêu cầu công ty báo cáo rõ kết quả thí nghiệm, cung cấp các văn bản pháp lý liên quan đến công ty và công nghệ xử lý, tuy nhiên phía bên đơn vị Nhật Bản vẫn chưa gửi tài liệu và liên hệ lại nên có thể coi này là công ty đã từ bỏ việc xử lý trên sông Tô Lịch.

Ông Hoàng Cao Thắng cho biết, tháng 11/2019, thành phố đã họp và yêu cầu Công ty Môi trường Việt - Nhật (Công ty JVE) báo cáo rõ kết quả thí nghiệm, cung cấp các văn bản pháp lý liên quan đến công ty và công nghệ xử lý nước ô nhiễm tại sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn chưa nhận được tài liệu nào và công ty cũng không hề liên hệ lại. Do đó, ông Thắng hiểu việc này là công ty đã từ bỏ việc xử lý trên sông Tô Lịch.

Sáng 17/6, phía công ty JVE đã có văn bản phản hồi. Đại diện Công ty JVE phủ nhận việc từ bỏ thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản và cho biết ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc cung cấp các tài liệu cho thành phố gặp khó khăn, đồng thời các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam và tiến hành các nội dung như đã đề cập.

"Thật sự là chúng tôi không hề muốn "tranh cãi" qua lại, nhưng vì để rộng đường dư luận nên chúng tôi buộc phải lên tiếng. JVE chúng tôi chưa từng có phát ngôn hay có công văn nào nói rằng chúng tôi từ bỏ việc xử lý ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch và qua đây chúng tôi khẳng định ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - không phải là "người phát ngôn" của JVE chúng tôi", nội dung công văn của JVE khẳng định.

Theo JVE, hiện nay sông Tô Lịch có 2 nguồn gây ô nhiễm là: Nguồn ô nhiễm do nước thải ở bên ngoài đã có dự án xây dựng cống ngầm thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung.

JVE khẳng định chưa từ bỏ xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản.

Nguồn ô nhiễm ở bên trong, theo đánh giá của chuyên gia Nhật Bản: Ngay cả việc khoan cống ngầm thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch cũng mới giải quyết được ô nhiễm ở bên ngoài, còn phần bên trong đã và đang bị ô nhiễm (giống như tế bào ung thư đã và đang hình thành ở bên trong) thì chưa xử lý được. Nếu việc xây cống bao thu gom nước thải đó làm trước khi sông Tô Lịch bị ô nhiễm (tức trước khi cơ thể sống bị ung thư) thì có thể chỉ cần thu gom nước thải ở bên ngoài là đã xử lý được ô nhiễm.

Tuy nhiên việc xây cống bao thu gom nước thải được thực hiện sau khi sông Tô Lịch bị ô nhiễm thì chỉ thu gom thôi là chưa đủ vì không tác động xử lý ở bên trong thì không thể hết được ô nhiễm nếu như không có giải pháp như áp dụng công nghệ sục khí nano Nhật Bản để phân hủy toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S, NH3, CH4;...

JVE cho biết, hiện nay phía đơn vị Nhật Bản đang xây dựng phương án xử lý tổng thể kết hợp giữa cả việc thu gom nước thải bên ngoài bằng cống ngầm hiện nay và giải pháp xử lý triệt để tận gốc ô nhiễm bên trong "cơ thể sống" của sông Tô Lịch. Từ đó, phía Nhật Bản sẽ báo cáo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội về dự án cải tạo sông Tô Lịch thành một khu tham quan du lịch đẹp và ý nghĩa như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng Thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Về thông tin tài liệu liên quan mà các cơ quan của Hà Nội yêu cầu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam và tiến hành các nội dung như đã đề cập. JVE khẳng định không có thẩm quyền thay thế phía đơn vị Nhật Bản để hoàn thành các yêu cầu mà các cơ quan của Hà Nội đưa ra. Đơn vị này cho biết, việc sục khí nano sẽ giúp xử lý phần ô nhiễm trong lòng sông bao gồm bùn, chất thải và mùi hôi thối. Kế hoạch xử lý sẽ được đơn vị trình lên lãnh đạo thành phố.

Nguyệt Hằng (T/h)