COVID-19: EP chuẩn bị ra quyết định về 'chứng chỉ xanh kỹ thuật số'

10:26, 13/04/2021

Chứng chỉ xanh kỹ thuật số sẽ là bằng chứng cho thấy người sở hữu đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, hoặc đã nhận được kết quả âm tính sau khi xét nghiệm hay đã khỏi bệnh.

(Nguồn: futuretravelexperience).

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels,Nghị viện châu Âu (EP) sẽ nhóm họp ngày 13/4 để cho ý kiến về vấn đề "chứng chỉ xanh kỹ thuật số" nhằm đảm bảo việc tự do đi lại giữa các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được loại bỏ. Cùng với hộ chiếu vaccine, chứng chỉ xanh kỹ thuật số là giải pháp để EU khôi phục du lịch.

Dự kiến, tại cuộc họp, Ủy viên tư pháp của Ủy ban châu Âu (EC) Didier Reynders sẽ trình bày đề xuất của EC hôm 17/3 cho việc áp dụng chứng chỉ xanh kỹ thuật số trước khi bắt đầu mùa du lịch Hè.

Chứng chỉ xanh kỹ thuật số sẽ là bằng chứng cho thấy người sở hữu đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, hoặc đã nhận được kết quả âm tính sau khi xét nghiệm hay đã khỏi bệnh. Chứng chỉ này miễn phí và có sẵn ở định dạng bản in và kỹ thuật số.

Để đánh giá vấn đề dữ liệu cá nhân được liên kết với chứng chỉ này, các nghị sỹ cũng sẽ thảo luận với ông Wojciech Wiewiórowski, người chịu trách nhiệm giám sát bảo vệ dữ liệu châu Âu, sau khi nghe trình bày ý kiến chung của Ban giám sát về đề xuất của EC.

Trước đó, trong một cuộc thảo luận toàn thể vào ngày 24/3 vừa qua với đại diện của EC và Hội đồng châu Âu, hầu hết các nghị sỹ đều ủng hộ việc triển khai nhanh chóng chứng chỉ xanh kỹ thuật số.

Tuy nhiên, nhiều nghị sỹ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo vững chắc cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và y tế. Các nghị sỹ cũng cho rằng không nên phân biệt đối xử đối với những người chưa được tiêm phòng.

EC ngày 17/3 đã đưa ra đề xuất triển khai chứng chỉ xanh kỹ thuật vào mùa Hè này nhằm đảm bảo việc đi lại an toàn trong mỗi nước và giữa các thành viên của EU để giúp khôi phục ngành du lịch quốc tế.

Chứng chỉ có 3 thành tố gồm chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc COVID-19, cho thấy người sở hữu chứng chỉ này không gây lây lan dịch bệnh.

Theo vietnamplus.vn