Cuối năm nay Nga sẽ giao máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 cho Việt Nam

09:03, 07/09/2021

Việc Việt Nam đặt mua các huấn luyện cơ Yak-130 của Nga là chủ đề được báo giới quốc tế hết sức quan tâm. Mới đây, tờ Sputnik của Nga đã hé lộ thời điểm Nga dự định hoàn thành bàn giao máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 cho Việt Nam.

Theo truyền thông Nga, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga, ông Dmitry Shugaev, nói với các phóng viên tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông rằng Moscow sẽ hoàn thành việc giao máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 cho Việt Nam vào cuối năm 2021.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, ông ông Dmitry Shugaev cho biết: “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hoàn tất việc thực hiện hợp đồng cung cấp máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 cho đối tác Việt Nam vào cuối năm nay”.

Ông Shugaev lưu ý rằng nhu cầu về máy bay Yak-130 trên thế giới vẫn ở mức cao, bởi vì trong phân khúc cụ thể, loại máy bay này là "đề xuất tốt nhất về mặt “chi phí - hiệu quả". 

Theo ông Dmitry Shugaev, trong những năm gần đây, Nga đã nhận được các đơn đăng ký mua Yak-130 từ các khách hàng nước ngoài.

Máy bay phản lực hai chỗ ngồi Yak-130 do Cục thiết kế thống nhất mang tên A.S. Yakovleva phát triển.

Yak-130 là máy bay phản lực hai chỗ ngồi, được thiết kế để trở thành máy bay huấn luyện phi công tiêm kích chiến đấu. Loại máy bay này được thiết kế để có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, kể cả vũ khí của phương Tây.

Hệ thống điện tử hàng không của Yak-130 cũng rất hiện đại và hiệu quả, khi nó có thể mô phỏng tình trạng bay và khả năng tác chiến của nhiều loại phi cơ, phù hợp với việc huấn luyện phi công của nhiều quốc gia.

Theo thiết kế ban đầu, tổng trọng tải chiến đấu của Yak-130 là 3 tấn, máy bay được trang bị 9 giá treo vũ khí dưới bụng và cánh, cho phép nó mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, như tên lửa đối không, tên lửa đối đất, bom, pháo phản lực phóng loạt, thùng nhiên liệu phụ.

Một điểm đặc biệt của máy bay huấn luyện Yak-130 đó là thiết kế của nó, có sự góp mặt của hãng Aermacchi, Italia. Ban đầu, máy bay được thiết kế để thay thế cho các huấn luyện cơ L-39 do Tiệp Khắc sản xuất, được sử dụng với số lượng lớn trong biên chế Không quân Nga thời điểm bấy giờ.

Nhiều công nghệ rất tiên tiến được trang bị trên máy bay Yak-130, có thể kể đến như ghế phóng 0-0 cho phép phi công thoát ly an toàn ở mọi tốc độ, mọi độ cao; hệ thống hiển thị thông tin LCD đa năng, hệ thống điều khiển kỹ thuật số, khoang lái dạng bong bóng,...

Thiết kế khí động học của máy bay Yak-130 cũng cực kỳ tiên tiến và mạnh mẽ, cho phép máy bay giữ vững điều khiển ở tóc tấn công lên tới 35 độ - đây là đặc điểm cực kỳ đắt giá, giúp Yak-130 trở thành một máy bay cường kích yểm trợ hỏa lực mặt đất thực thụ.

Nhà sản xuất công bố, các máy bay Yak-130 sẽ có tuổi thọ tối đa 10.000 giờ bay hoặc 30 năm hoạt động liên tục. Tuy nhiên trong nhiều điều kiện hoạt động khác nhau, tuổi thọ của máy bay có thể dài hoặc ngắn hơn thông số thiết kế ban đầu.

Hiện tại, trên thế giới đang có 5 quốc gia sử dụng Yak-130 trong biên chế, bao gồm Nga, Belarus, Algeria, Bangladesh và Myanmar. Theo Sputnik, Không quân Nga có thể sẽ cần tối đa 250 máy bay huấn luyện loại này, nhu cầu của thế giới có thể lên tới 2500 chiếc.

Theo nhà chế tạo Nga, Yak-130 có thể sử dụng nhiều mục đích và chi phí vận hành thấp.

Khôi Nguyên (T/h)