Đà Nẵng: Chuyển đổi số ở các chợ truyền thống

15:17, 27/10/2022

Mô hình chuyển đổi số ở các chợ truyền thống tại Đà Nẵng đã bước đầu cho thấy hiệu quả. Những khu chợ tại thành phố bên sông Hàn đang trở nên an toàn, thân thiện và văn minh hơn. Chuyển đổi số tại các chợ truyền thống đem lại cho người dân và khách du lịch những trải nghiệm mua sắm mới mẻ.

Nhân viên Viettel hướng dẫn khách hàng sử dụng ví điện tử Viettel Money để thanh toán tại chợ Cồn, Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN).

Tại các chợ truyền thống, như: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa…, chuyển đổi số được thể hiện rõ nét qua việc thanh toán không tiền mặt, truy xuất nguồn gốc hàng hóa... mang lại những tiện ích cho người tiêu dùng. 

Từ năm 2018, chợ Hàn (thành phố Đà Nẵng) bắt đầu triển khai dán mã tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng mua sắm tại chợ đều sử dụng khi chọn mua sản phẩm.

Chú thích ảnhQuét mã tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm được người tiêu dùng thực hiện dễ dàng.(Ảnh: TTXVN).

Ông Hoàng Trung Thượng Đức, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Hàn cho hay, khi khách hàng quét mã tem, mọi thông tin về sản phẩm, tên chủ cửa hàng, địa chỉ đều được thể hiện rõ. Qua ứng dụng này, người bán phải tăng trách nhiệm nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo đúng giá cả, giữ gìn thương hiệu, uy tín trong quá trình kinh doanh. Khách hàng khi biết được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm sẽ có thêm niềm tin và thoải mái khi mua hàng.

Theo Phó trưởng Ban Quản lý chợ Hàn, ngoài việc thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chợ Hàn còn triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các gian hàng trong chợ. Chợ đã phủ sóng wifi miễn phí, để người bán hàng, người dùng thuận tiện khi mua sắm, trao đổi hàng hóa.

Chú thích ảnhNgười dân quét mã QR code thanh toán không sử dụng tiền mặt tại chợ Cồn, thành phố Đà Nẵng.(Ảnh: TTXVN).

Tại chợ Cồn, việc thanh toán không tiền mặt triển khai từ đầu năm 2022. Các tiểu thương thường khuyến khích khách hàng sử dụng việc thanh toán qua hình thức quét mã, chuyển khoản, đem lại trải nghiệm mới, tiện lợi, nhanh chóng hơn trong quá trình thanh toán.

Chú thích ảnhCác mã tem truy xuất hàng hóa đều được dán trên từng sản phẩm bán tại chợ Hàn. (Ảnh: TTXVN).

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, việc áp dụng các ứng dụng công nghệ 4.0 tại các chợ truyền thống đã phần nào mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng; giúp khu chợ trở nên hiện đại, văn minh. Đồng thời, đây cũng cách để công cuộc chuyển đổi số phát triển sâu rộng trong đời sống của người dân.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Đà nẵng, Đà Nẵng đã được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Nhận thức và kỹ năng số của người dân thành phố mức khá cao. Gần 85% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 240.000 tài khoản công dân số (40% dân số trưởng thành) trên hệ thống của thành phố...

 

PV