Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

20:42, 07/12/2021

Nhiều nhiệm vụ KH&CN do Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Quỹ NATIF) xem xét, tài trợ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và xã hội.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 7/12, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 - 2025” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Quỹ NATIF được Chính phủ thành lập và đi vào hoạt động từ 2015. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Quỹ tập trung ưu tiên tài trợ để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo đặt hàng của Nhà nước; nhiệm vụ KH&CN có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến do tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đề xuất.

Doanh thu tăng cao nhờ đổi mới công nghệ

Được Quỹ NATIF hỗ trợ thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ chế biến các sản phẩm dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, công ty Chế biến dừa Lương Quới đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ tách chiết ly tâm cao tốc để loại bỏ các axit béo không có lợi, công nghệ tiệt trùng không gia nhiệt để khử trùng nhưng không phá hủy các vitamin trong nước dừa. Đồng thời, áp dụng công nghệ đóng hộp phi kim loại đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty chế biến dừa Lương Quới cho biết, dự án đã nâng cao giá trị cho trái dừa. Bình quân mỗi năm doanh nghiệp tiêu thụ 75 triệu trái dừa, dự kiến sẽ mở rộng quy mô và tăng công suất lên gấp đôi để tiêu thụ 150 triệu trái dừa/năm. Hiện nay sản phẩm nước dừa giải khát đóng hộp đã đóng góp hơn 250 tỷ đồng vào doanh thu của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực y dược, ông Nguyễn Hữu Vũ, Giám đốc TNHH Dược Hanvet cho biết, công ty đã ứng dụng một số công nghệ tiên tiến thông qua việc thực hiện dự án “Đổi mới công nghệ sản xuất vaccine virus thú y đạt tiêu chuẩn GMP - WHO bằng công nghệ nuôi cấy tế bào (Micro carrier) và phôi trứng” do Quỹ NATIF hỗ trợ.

Việc đổi mới công nghệ thành công đã giúp doanh nghiệp hoàn thiện được 2 công nghệ nuôi cấy tế bào Micro carrier và phôi trứng với các thiết bị tiên tiến hiện đại, từ đó đã mang lại các loại vaccine có chất lượng vượt trội và năng xuất tăng lên. Quy trình sản xuất được tối ưu hóa giúp giảm giá thành sản phẩm xuống một nửa. Các sản phẩm ngày càng được người sử dụng tin dùng, từng bước thay thế các vaccine ngoại nhập.

Hiệu quả của dự án cũng được phản ánh rõ nét qua doanh thu từ các sản phẩm triển khai trong dự án. Năm 2020, trước khi kết thúc dự án, doanh thu các sản phẩm của Hanvet chỉ đạt khoảng 23,5 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu đã đạt trên 29 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2021, hàng triệu liều vaccine được sản xuất trên công nghệ của dự án đã được Hanvet xuất khẩu sang Myanmar, Philippines, Bangladesh...

Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 - 2025” tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Sau 5 năm hoạt động, Quỹ NATIF đã đẩy mạnh hoạt động tài trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, theo tinh thần phục vụ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể của hoạt động đổi mới công nghệ, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, Thứ trưởng Trần Văn Tùng mong muốn các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ để cùng tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Việc hỗ trợ từ cơ quan quản lý, từ phía Quỹ NATIF sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực hơn nữa.

Ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Quỹ NATIF cho hay, giai đoạn 2015-2020, Quỹ đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ do các doanh nghiệp đề xuất. Các đối tượng được Quỹ xem xét, tài trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại 35 tỉnh, thành phố.

Thông qua các nhiệm vụ tài trợ, đã huy động được 782 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện. Với các các nhiệm vụ đang xem xét đề xuất, dự kiến huy động được 4.083 tỷ đồng từ doanh nghiệp có dự án đổi mới công nghệ tham gia.

Doanh thu của các doanh nghiệp hàng năm sau khi đổi mới công nghệ tăng thêm 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, nộp NSNN 300 tỷ đồng/năm (lớn hơn NSNN tài trợ). Theo cả chu kỳ công nghệ (5-7 năm), doanh thu, lợi nhuận, thuế nộp ngân sách sẽ lớn gấp nhiều lần phần ngân sách Nhà nước tài trợ. Đổi mới, cải tiến và phát triển gần 50 công nghệ, giải pháp, dây chuyền và thiết bị được ứng dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Định hướng giai đoạn 2021 - 2025, nhằm xây dựng Quỹ NATIF tiếp tục phát triển, hoạt động hiệu quả, ngày 29/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Theo Điều lệ mới, quy mô vốn điều lệ của Quỹ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Góp ý về hoạt động của Quỹ trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, để thực hiện mục tiêu Quỹ tiếp nhận ít nhất 1000 tỷ đồng đến cuối năm 2025 thì việc kêu gọi nguồn lực xã hội và viện trợ từ nước ngoài là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì cần phải có sự “bứt phá”, “khác lạ” và đâu đó có tính “mạo hiểm” trong hoạt động của Quỹ.

“Để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách hỗ trợ của Quỹ thì các thủ tục hành chính cần phải đơn giản hóa hơn nữa, cụ thể như các thủ tục, hồ sơ mà ngân hàng đã thẩm định thì Quỹ không cần thẩm định lại vì trách nhiệm đã được phân định rõ ràng”, ông Nguyễn Văn Thân đề xuất .

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Quỹ và ngân hàng cũng phải thật sự “nhuần nhuyễn” và thống nhất để tránh trường hợp vì sự chênh lệch trong tư duy, trình độ, năng lực của hai bên khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp cận được với chính sách hỗ trợ. 

Theo/baochinhphu.vn