Đây sẽ là dấu chấm hết cho tin nhắn rác?

15:34, 12/09/2020

Từ 1/10/2020, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác được Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực.

Bít cửa tin nhắn, cuộc gọi rác

Theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác được Chính phủ ban hành, người sử dụng các dịch vụ điện tử, viễn thông sẽ được bảo vệ bằng 8 biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Theo thông lệ quốc tế, tin nhắn hay cuộc gọi rác được định nghĩa là tin nhắn mang tính chất quảng cáo thương mại và phải được sự đồng ý của người nhận. Vì vậy, trong Nghị định 91, những người quảng cáo "chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi được người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo".

Nghị định cũng cho phép thực hiện theo dõi, giám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nguồn phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp nhận, xử lý phản ảnh về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, đồng thời giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại.

Hướng dẫn cách chặn tin nhắn rác trên điện thoại - Fptshop.com.vn

Với những người không muốn nhận bất cứ quảng cáo nào sẽ được đưa vào "hầm trú bom rác" ở danh sách từ chối nhận mọi quảng cáo. Nếu bất kỳ ai nhắn tin nhắn rác, hay thực hiện cuộc gọi rác vào những thuê bao này sẽ bị phạt rất nặng (mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng). Nhiều nước trên thế giới như Anh, Australia, Singapore cũng áp dụng chính sách này để bảo vệ khách hàng.

Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đang sử dụng các hệ thống nhắn tin, gọi điện thoại tự động cho người dân để quảng cáo dịch vụ. Các cuộc gọi, tin nhắn này thường không đầy đủ thông tin nên hiệu quả mang lại không cao. 

Còn giờ đây, mọi cuộc gọi điện thoại, tin nhắn quảng cáo phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước. Trường hợp người sử dụng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, người quảng cáo phải chấm dứt ngay.

Doanh nghiệp nói không với tin nhắn rác và cách tiếp cận mới

Dù "miếng bánh" thị phần quảng cáo ở Việt Nam đang bị nắm giữ phần lớn bởi Google và Facebook nhưng quảng cáo là công cụ bán hàng rất tốt cho các doanh nghiệp và kích cầu nền kinh tế.

Ông Giang Thiên Phú - Giám đốc điều hành Công ty Gadget. Inc - cho biết: "Về bản chất, quảng cáo là một hoạt động tốt nhằm mục đích giúp người tiêu dùng luôn có quyền lựa chọn sản phẩm dịch vụ tốt nhất phù hợp với nhu cầu của mình. Nhưng nếu doanh nghiệp lạm dụng quảng cáo với số lượng và tần suất quá lớn, bất chấp nhu cầu và mối quan tâm của khách hàng sẽ làm người tiếp nhận khó chịu, khi đó gọi quảng cáo sẽ gây phản tác dụng".

Với kinh nghiệm hàng chục năm "lăn lộn" trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Phú cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên lựa chọn một số nền tảng công nghệ CRM cho telesales để quản lý các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo gửi đến khách hàng. Ông Phú lấy ví dụ như nền tảng CRM Callio.

Theo đó, khi doanh nghiệp sử dụng nền tảng Callio, số điện thoại là số tổng đài doanh nghiệp, đăng ký thông tin doanh nghiệp đầy đủ, không phải số rác, sim rác. Callio cũng không sử dụng cuộc gọi thu âm sẵn, cuộc gọi từ bot. Như vậy, các cuộc gọi từ Callio sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu và không vi phạm quy định về tin nhắn, cuộc gọi rác.

Ông Duy Tuấn - Chủ tịch Câu lạc bộ Nội dung số viễn thông - cho rằng, nếu siết chặt biện pháp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, doanh nghiệp có thể kích cầu bằng cách tổ chức những hình thức như chương trình khuyến mãi, ưu đãi... để thu gom khách hàng chịu đăng ký nhận tin ưu đãi của các nhóm ngành hàng.

Minh Anh