Đến lượt, Viettel bị tố "độc quyền"

11:55, 30/06/2009

Sau những "lình xình" mới đây giữa các mạng di động, tố cáo về những hành vi "xấu chơi" hay cạnh tranh không lành mạnh  giữa các nhà mạng, mới đây, Câu lạc bộ các  doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đã lên tiếng phản đối về phương án phân chia doanh thu kinh doanh dịch vụ nội dung số của mạng di động Viettel. Theo phản ánh, mạng di động này đang có những biểu hiện "độc quyền" trong việc đưa ra những chính sách làm việc với các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam (CPs).

Doanh nghiệp CPs "kêu cứu"

 Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số doanh nghiệp Nội dung số rất bức xúc. Việc phát triển các dịch vụ nội dung số ở Việt Nam lâu nay hoạt động trên cơ sở hợp tác giữa các nhà cung cấp nội dung số và nhà mạng di động. Để công nghiệp nội dung số phát triển, đòi hỏi có các chính sách phát triển hợp lí, lâu dài, ổn định, đôi bên cùng có lợi.
 
Tuy vậy, với mạng di động Viettel, chỉ trong vòng chưa đến 6 tháng (từ 1/1/2009 - 3/6/2009), Viettel đã liên tục 3 lần thay đổi phương thức phân chia doanh thu với các CPs, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Điều đáng nói, nếu theo các phương thức phân chia mới, doanh thu chia cho Viettel đã tăng lên gấp đôi (!) so với thời điểm trước ngày 1/1/2009. Sau mỗi lần thay đổi, tỷ lệ doanh thu của đơn vị này lại liên tục tăng lên mà không nghĩ đến quyền lợi của các đối tác hợp tác với mình.

 Cụ thể, ngày 12/2/2009, Viettel đơn phương gửi email cho các CPs, thông báo chính sách phân chia doanh thu mới, áp dụng từ ngày 1/1/2009 với tỉ lệ phân chia doanh thu nội dung cho Viettel tăng gấp đôi (!), từ 10% cho mức cước 500đ lên 20%; từ 15% mức cước 1.000đ , 2.000đ lên 30% và từ 25% mức cước trên 2.000đ lên 50%.

 Ngày 9/04/2009, trong buổi làm việc với Ban chấp hành Câu lạc bộ CPs, Viettel lại tiếp tục thay đổi phương án  phân chia doanh thu lần thứ 2 với phần lợi nghiêng về mình nhiều hơn.

 Đỉnh điểm, ngày 03/06/2009, Viettel lại tổ chức họp với các CPs và thêm một lần nữa thông báo thay đổi cước phân chia, áp dụng trên toàn mạng với tỉ lệ phân chia rất "quái chiêu": giảm từ tỉ lệ 82% xuống 70% với các đầu số 500đ (đầu số chủ yếu hỗ trợ lệnh giúp khách hàng, các CPs không kinh doanh trên đầu số này) nhưng đồng loạt tăng tỉ lệ phân chia trên tất cả các đầu số còn lại từ 21% - 28%. Chẳng hạn, mức cước 1.000đ, lại tăng từ 49% lên 70%; mức cước 2.000đ tăng từ 32% lên 60%; mức cước 5.000đ tăng từ 31% lên 55%; mức cước 15.000đ tăng từ 27% lên 55%. Dự kiến thời gian áp dụng cơ chế mới từ 1/07/2009.

 "Với tỷ lệ phân chia này thì nhiều CPs sẽ lỗ nếu tiếp tục kinh doanh dịch vụ, một cách trực tiếp, Viettel đẩy các CPs ở Việt Nam đến bờ vực của phá sản!"  đại diện một CPs tại Hà Nội bức xúc. 

Người tiêu dùng thiệt thòi?

 Rõ ràng, với cách phân chia doanh thu mới và chính sách liên tục thay đổi theo hướng có lợi hơn cho mình, Viettel đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp CPs Việt Nam. Không nói đến sự  mất ổn định trong chiến lược kinh doanh, các CPs sẽ khó "sống" hơn sau khi phải cắt giảm hàng loạt các chi phí truyền thông, phát triển thị trường, sản xuất nội dung.
Đặc biệt, đối với các đầu số có giá cước thấp (từ 1.000 đồng- 4.000 đồng) sẽ buộc các doanh nghệp nội dung số phải tăng giá dịch vụ hoặc cung cấp các dịch vụ nội dung đơn giản trên đầu số có  giá cước cao.   Điều này, gián tiếp gây ra thiệt thòi về quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam, nhất là sắp đến thời điểm trao Giấy phép 3G cho các mạng di động và người tiêu dùng đang háo hức chờ đón những dịch vụ nội dung số mới, tiện ích.

 Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu có phải Viettel đang có những biểu hiện "chèn ép" các CPs, tạo điều kiện cho Trung tâm nội dung của Viettel chiếm thị trường, cạnh tranh không lành mạnh dựa trên vị thế "độc quyền" của Viettel?

                                                                                                                                        La Phù  

TIN LIÊN QUAN