Đến năm 2025 có khoảng 5.000 dự án đầu tư công trung hạn

10:12, 24/05/2021

Thủ tướng yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Kiên quyết giảm mạnh số lượng dự án chưa thật cần thiết, xóa bỏ cơ chế "xin - cho" và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, để bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nội dung chủ yếu sau:

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; đồng thời quan tâm, chú trọng các dự án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân.

Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết.

Đồng thời, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng cũng yêu cầu, vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp công tác chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải được xây dựng theo phương châm kế thừa, phát huy kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2016 - 2020; khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo vì mục tiêu chung và quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ở trung ương, đề nghị các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án.

Đặc biệt, không bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới nhóm C của địa phương, trừ trường hợp đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Các chương trình, dự án thực hiện 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phải bảo đảm đúng quy định, không vượt quá 20% tổng số vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công. Mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 5.000 dự án.

Phương Mai (t/h)