Điều tra Thống kê dịch vụ VT và nghe-nhìn hướng tới phổ cập dịch vụ tới mọi người dân

00:00, 11/07/2010

Ngày 1/6/2010, 64 tỉnh, thành cả nước đã tiến hành điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe-nhìn, cuộc điều tra diễn ra trong vòng 30 ngày. Kết quả điều tra là cơ sở để xây dựng các chương trình phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; từ đó xây dựng định hướng phát triển đến năm 2020.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực BCVT, CNTT đã làm gì trong vai trò của mình?
 
Phổ cập dịch vụ tới mọi người dân

 

Đây là cuộc điều tra có quy mô rộng, thực hiện đến tất cả các hộ gia đình, các thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố, xã phường, thị trấn và các đơn vị cung ứng dịch vụ viễn thông, Internet, nghe-nhìn trên phạm vi toàn quốc. Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng, mạng lưới bưu chính, viễn thông (BCVT) đã không ngừng phát triển mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo và liên tục được bổ sung công nghệ mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân ở mọi miền đất nước. Hệ thống phát thanh, truyền hình ngày càng được hiện đại hóa với nhiều phương thức truyền thông, dễ dàng tiếp cận đã góp phần nâng cao dân trí, và đóng vai trò rất quan trọng trong việc phản ánh thực tiễn, thông tin và tuyên truyền đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đóng góp vào công cuộc này, hiện tại, VNPT là doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng rộng lớn nhất trong các doanh nghiệp khai thác viễn thông. Cụ thể, VNPT đang sở hữu tới 93% cơ sở hạ tầng của mạng điện thoại cố định; gần 60% hạ tầng mạng điện thoại di động quốc gia, 100% số xã có điện thoại của VNPT. Cho dù trên thị trường di động Việt Nam có tới 7 mạng di động đang cạnh tranh quyết liệt, nhưng 2 mạng di động của VNPT vẫn là những mạng di động có số thuê bao và doanh thu lớn nhất. Trong đó, MobiFone nhiều năm liền được đánh giá là mạng di động có chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt nhất. Ở thị trường Internet, VNPT cũng đang chiếm giữ vị trí chủ đạo. Trong năm 2009, VNPT đã phát triển và chiếm tới 75% thị phần Internet. Như vậy, với sức mạnh của VNPT hiện nay thì trong vài năm tới dịch vụ này cơ bản vẫn thuộc “sân chơi” của VNPT.

VNPT hiện có 18.800 điểm phục vụ BCVT- CNTT, bán kính phục vụ bình quân đã được rút ngắn xuống còn 2,41km/điểm, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ BCVT của người dân. Hệ thống bưu cục và điểm BĐVHX đã thường xuyên đáp ứng tốt mọi nhu cầu thông tin cho Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa trên toàn quốc. Với mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu là phổ cập các dịch vụ BCVT, Internet tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mô hình điểm BĐVHX đã thực sự là một điểm sáng vùng nông thôn, góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn. Cũng từ nhiều năm nay, VNPT đã đặt ra chỉ tiêu số xã có báo đọc trong ngày làm thước đo để đánh giá hiệu quả của công tác phát hành báo chí. Đến nay, người dân của 96% số xã trên cả nước đã được đọc báo trong ngày.

Với hạ tầng BCVT hiện đại này (đồng bộ, rộng khắp, dựa trên nền tảng mạng viễn thông thế hệ mới NGN, tích hợp đa dịch vụ), VNPT đã tham gia đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội như: Ổn định và liên tục giảm giá các dịch vụ viễn thông; đóng góp lớn cho việc phổ cập thông tin tới người dân, đưa tỷ lệ người dân sử dụng Internet của Việt Nam lên xấp xỉ 25% (trong đó VNPT đóng góp tới 75%); đưa Internet đến phần lớn các điểm BĐVHX, bưu cục, trường học và hộ gia đình. Bên cạnh đó, VNPT là doanh nghiệp chủ chốt tham gia các hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích của Nhà nước, với 100% sản lượng dịch vụ bưu chính công ích, 63% sản lượng dịch vụ viễn thông công ích.

Đặc biệt, việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 trong năm 2008 và việc đảm bảo vận hành, khai thác hiệu quả vệ tinh trong thời gian qua không chỉ đánh dấu bước phát triển quan trọng của VNPT mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội lớn với cả quốc gia. Vệ tinh VINASAT -1 là sự khẳng định chủ quyền của nhà nước đối với nguồn tài nguyên quỹ đạo vệ tinh, góp phần hoàn thiện mạng lưới thông tin quốc gia, hiện đại hóa hệ thống truyền dẫn mạng viễn thông của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin vệ tinh trong nước, có tác động tích cực đối với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, trước hết là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

Tích hợp đa dịch vụ viễn thông

 

Hiện nay tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy việc duy trì và phát triển mạng viễn thông cố định. Việc mới đây bộ đã cấp phép cho nhiều doanh nghiệp mới tham gia thiết lập mạng cố định là một trong những chiến lược quốc gia về phát triển băng rộng. Tuy nhiên, tại sao các doanh nghiệp mới này chưa hoặc mới triển khai ở quy mô nhỏ điều này cũng dễ lý giải bởi việc đầu tư cho mạng cố định khá tốn kém, doanh thu thấp nên các doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào những dịch vụ “ngon ăn”.

 

Tính đến thời điểm hiện nay, dịch vụ điện thoại cố định (ĐTCĐ) của VNPT (gồm cả cố định không dây Gphone) đã chiếm thị phần áp đảo là 78,26% với hơn 10 triệu thuê bao đang hoạt động. Mạng cố định của VNPT đã vươn rộng trên toàn quốc, 100% các xã vùng sâu, xa biên giới hải đảo đã có dịch vụ cố định của VNPT. Chất lượng dịch vụ điện thoại cố định của VNPT luôn đạt và vượt tiêu chuẩn ngành. Đặc biệt, dịch vụ cố định của VNPT cũng đóng góp tích cực vào công tác phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trên toàn quốc.

 

Năm 2010 sẽ là năm VNPT đột phá với nhiều dịch vụ mới. Cụ thể như đối với dịch vụ cố định sẽ được tích hợp để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ truyền hình Internet IPTV; các dịch vụ nội dung như tra cứu thông tin các lĩnh vực KT-VH-XH sẽ tiếp tục được bổ sung mới; các tính năng tích hợp giữa dịch vụ cố định với các dịch vụ khác sẽ được triển khai...

 

Minh Anh

TIN LIÊN QUAN