Doanh nghiệp số lại kêu bị Viettel làm khó

13:39, 07/07/2009

Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng (từ 1/1/2009 đến ngày 3/6/2009), Viettel đã liên tục thay đổi phương thức phân chia doanh thu với các CP. Đặc biệt, ngày 30/6 vừa rồi, Viettel Telecom đã tuyên bố chấm dứt dịch vụ trên các đầu số với các C, áp dụng từ 0 giờ ngày 2/7/2009. Những động thái này đã bị cho làgây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp…

Theo ông Lê Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nội dung số, việc phát triển các dịch vụ nội dung số ở Việt Nam lâu nay hoạt động trên cơ sở hợp tác giữa các nhà cung cấp nội dung số (CP) và nhà mạng di động. Để công nghiệp nội dung số phát triển, đòi hỏi có các chính sách phát triển hợp lý, lâu dài, ổn định, đôi bên cùng có lợi.

Thế nhưng, với tình trạng việc kinh doanh dịch vụ nội dung chưa được đặt dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước mà còn phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động như Viettel Telecom, nếu những động thái này từ phía nhà mạng không mang tính hợp tác sẽ khiến các CP thực sự bị làm khó.

Cụ thể, ngày 11/06/2009 Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đã gửi công văn số 1741/VT-VAS thông báo về việc thay đổi cước phân chia giữa Viettel Telecom và các CP trên toàn mạng Viettel. Sau đó, ngày 17/6/2009, Câu lạc bộ nội dung số đã có công văn số 88/CV-VCP phúc đáp công văn số 1741 của Viettel Telecom trong đó nêu rõ việc áp dụng cơ chế phân chia cước này sẽ gây khó khăn rất lớn cho các CP và cũng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của dịch vụ nội dung trên mạng di động, dẫn tới sự sụt giảm doanh thu của cả Viettel Telecom lẫn các CP trong lĩnh vực này.

Theo ông Hùng, Câu lạc bộ nội dung số cũng đã đề xuất phương án hợp tác dựa trên một trong những phương án mà Viettel đã đưa ra trong năm 2009, trong đó tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu phân chia Viettel được hưởng sau khi trừ đi phần cước viễn thông.

Tuy nhiên Viettel Telecom đã không những không trả lời công văn của Câu lạc Bộ mà đến ngày 30/06/2009 còn gửi tiếp công văn số  2012/VT-VAS thông báo từ ngày 2/7/2009 sẽ đơn phương tạm dừng dịch vụ của các CP chưa ký phụ lục hợp đồng thay đổi mức phân chia doanh thu theo công văn 1741.

Thời hạn thông báo trong công văn 2012 này rất gấp và nếu Viettel tạm dừng dịch vụ thì trong mỗi ngày sẽ có hàng triệu khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ của các CP không được sử dụng dịch vụ nữa mà không nhận được bất kỳ sự báo trước nào.

 Đứng trước sự thúc ép đơn phương của Viettel Telecom dựa trên vị thế là doanh nghiệp lớn và đang nắm giữ hạ tầng, các CP trong Câu lạc bộ Nội dung số đã buộc phải ký vào phụ lục hợp đồng với Viettel Telecom để đảm bảo dịch vụ cung cấp cho khách hàng không bị gián đoạn, quyền lợi của khách hàng được đảm bảo.

 Với việc ký kết này, các CP phải cắt giảm hàng loạt các hoạt động truyền thông, phát triển thị trường, sản xuất nội dung để cung cấp cho khách hàng là thuê bao di động của Viettel, xác lập vị trí độc quyền trong kinh doanh nội dung số của Viettel. Bên cạnh đó, chính sách phân chia doanh thu dịch vụ này không khuyến khích các doanh nghiệp nội dung số tiếp tục đầu tư vào công nghệ, sản xuất nội dung phục vụ dịch vụ gia tăng trên nền 3G màViettel sắp cung cấp ra thị trường.

Trước khó khăn này, Câu lạc bộ nội dung số đã báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về thực trạng hợp tác không bình đẳng và việc Viettel Telecom dùng các vị thế không bình đẳng của mình để ép buộc các CP ký kết các phụ lục hợp đồng với những điều khoản bất lợi cho CP. Điều đáng nói là những phụ lục này không chỉ bất lợi cho các CP mà còn bất lợi cho khách hàng và sự phát triển của nền công nghiệp dịch vụ nội dung số.

Được biết, từ ngày 01/06/2009 Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi các CP bản dự thảo “Thông tư vêviệc cung cấp và sử dụng dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động“. Trong bản dự thảo này Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra các quy định  thương mại đối với các dịch vụ nội dung số như: Quy định về tỷ lệ phân chia doanh thu giữa các doanh nghiệp, quy định chia sẻ khuyến mại, giá cước dịch vụ, thanh toán cước dịch vụ....

 Theo đại diện của các CP, đây là quyết định đúng đắn và là việc cần thiết để Bộ Thông tin và Truyền thông  quản lý việc cung cấp các dịch vụ nội dung số nhằm tạo điều kiện thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh nhiều tiềm năng này phát triển mạnh mẽ hơn.

Thế nhưng, từ nay tới khi Thông tư được hoàn thiện và ký kết ban hành, các CP vẫn đang phải chịu những “ấm ức” rất cần được cơ quan quản lý ra tay giải toả, đó không chỉ vì lợi ích của bản thân doanh nghiệp mà còn đảm bảo quyền lợi cho đông đảo khách hàng mạng di động Viettel hiện đang sử dụng các dịch vụ nội dung hiện nay.

 Theo Vnmedia


TIN LIÊN QUAN