Đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thành động lực cho sự phát triển của Hà Nội

10:27, 13/04/2021

Theo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 vừa được ban hành, thành phố Hà Nội đặt ra 5 mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Theo Chương trình số 07-CTr/TU, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

5 mục tiêu cụ thể được đưa ra sẽ được Hà Nội phấn đấu thực hiện trong giai đoạn 2021–2025 là xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước; Tiến tới nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học; Đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (data science) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G; Phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố khoa học quốc tế; Dẫn đầu cả nước về hình thành, phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng và phát triển thương hiệu Hà Nội.

Hà Nội cũng sẽ đặt mục tiêu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ.

Hà Nội cũng phấn đấu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045.

Trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á. Hà Nội cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị Thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng Thành phố thông minh.

Trước đó, theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu. Trên địa bàn Thành phố có 80% trường đại học, viện nghiên cứu, 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ khoa học và tiến sỹ của cả nước; từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.

Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Các sản phẩm khoa học và công nghệ thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.

Thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ... Có 1.216 doanh nghiệp được hướng dẫn công bố, hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến; 52 nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký bảo hộ. Đến nay, Hà Nội cũng đã có 93 doanh nghiệp khoa học công nghệ được đăng ký chính thức.

Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ được nâng lên. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân, thông tin, thống kê khoa học và công nghệ có nhiều tiến bộ, từng bước hội nhập quốc tế.

Tại Hà Nội, các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung, cầu (Techfest, Techmart, TechDemo...); các hội nghị, hội thảo khoa học liên ngành, liên vùng; các sự kiện quốc tế lớn (Tọa đàm về phát triển “Thành phố thông minh” - phối hợp với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và 18 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ; Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội; Tọa đàm cấp cao tham vấn về sáng kiến “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” - phối hợp với Tổ chức UNESCO tại Việt Nam thực hiện).

Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng nhiều giải pháp đột phá nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động như khai trương Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp (StartupCity.vn) vào năm 2017; phê duyệt Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Năm 2019, với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, Thành phố tiếp tục phê duyệt Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019-2025 với nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù được ban hành như hỗ trợ thực hiện các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; phát triển kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới, kết nối hệ sinh thái, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; hình thành trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội…

Cùng với đó, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp và đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng; giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh như đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng... Nhờ đó, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Thành phố liên tục tăng trong các năm gần đây.

Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, Thành phố Hà Nội có hơn 112 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình mỗi năm tăng 9,7%, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên hơn 292 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động (đứng thứ hai về số lượng doanh nghiệp trên cả nước). Bình quân cứ 35 người dân có 1 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung cả nước.

Theo vietq.vn