ECTA cảnh báo về những hậu quả khi loại bỏ các nhà cung cấp mạng 5G tại châu Âu

08:15, 20/10/2020

ECTA đã đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển hạ tầng mạng của các quốc gia khi loại bỏ các nhà cung cấp mạng 5G tại thị trường châu Âu.

Hiệp hội Viễn thông cạnh tranh châu Âu (ECTA) mới đây đã đưa ra thông báo phản đối lệnh cấm đối với các nhà cung cấp mạng 5G của Trung Quốc vì lý do chính trị. ECTA nhấn mạnh, những lệnh cấm này không hề có cơ sở và bằng chứng cụ thể.

Trước đó, hướng dẫn bảo mật cho mạng 5G do Liên minh châu Âu (EU) ban hành vào tháng 1/2020 hướng tới việc ứng phó với các vấn đề an ninh gây ảnh hưởng đến hệ thống mạng trong tương lai nhưng cũng đồng thời tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia.

ECTA đã đưa ra cảnh báo về những hệ quả bất lợi khi loại bỏ các nhà cung cấp mạng 5G tại thị trường châu Âu, gây ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như sự gắn kết của thị trường nội bộ.

Cụ thể, việc giảm số lượng các nhà cung cấp mạng trên toàn thế giới từ 5 xuống còn 3 sẽ ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực viễn thông như tăng chi phí, tác động tiêu cực đến hiệu suất, trì hoãn việc triển khai mạng 5G và hạn chế tiềm năng đổi mới của hạ tầng mạng. Điều này cũng sẽ gây ra những hậu quả kinh tế xã hội nghiêm trọng trên phạm vi rộng hơn như làm giảm năng lực của các doanh nghiệp, tổ chức công, dân sự... trong việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số mới và thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi.

ECTA cũng lưu ý, việc cho phép các nhà cung cấp mạng từ bên ngoài, nếu không được đảm bảo trên cơ sở tương đương cho tất cả các nhà khai thác mạng, có nguy cơ dẫn tới bóp méo cạnh tranh. Những tác động này có thể trở thành hiện thực không chỉ trong từng quốc gia thành viên mà còn giữa các quốc gia, dẫn tới việc một số quốc gia đạt được lợi thế hơn thông qua các công nghệ tiên tiến và hiệu quả hơn.

Do đó, phương pháp tiếp cận trong tương lai đối với an ninh mạng của châu Âu có thể sẽ thay đổi. Các tiêu chuẩn, chứng nhận và quy tắc pháp lý cần phải kết hợp với nhau để tạo ra một khuôn khổ nhất quán, đảm bảo duy trì hệ thống kết nối an toàn với mức chi phí hợp lý.

ECTA cảnh báo về những hậu quả khi loại bỏ các nhà cung cấp mạng 5G tại châu Âu - Ảnh 1.

Trong một diễn biến khác, tại thị trường châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho biết sẽ không cấm Huawei và công ty Trung Quốc khác tham gia mạng viễn thông bất chấp sức ép từ Mỹ.

Theo truyền thông Hàn Quốc, phía Mỹ mới đây đã nhắc lại về kế hoạch “mạng lưới sạch” do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề xuất, với danh nghĩa rủi ro an ninh quốc gia, nhằm gây áp lực buộc Hàn Quốc ngừng sử dụng thiết bị mạng 5G của Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền Hàn Quốc lại cho rằng, sự lựa chọn thiết bị và công nghệ mà các nhà mạng sử dụng là quyết định của riêng từng công ty và Chính phủ Hàn Quốc sẽ không can thiệp vào quyết định này.

Trong khi đó, theo báo Yomiuri của Nhật Bản, Ngoại trưởng Pompeo đã nhắc tới kế hoạch “mạng lưới sạch” khi gặp người đồng cấp Toshimitsu Motegi tại Tokyo đầu tháng này. Tuy nhiên, Tokyo thông báo không thể tham gia vào kế hoạch. Tờ Yomiuri cũng đề cập, Nhật Bản cho biết có kế hoạch riêng để xử lý những lo ngại liên quan tới vấn đề bảo mật trong khi vẫn hợp tác với Mỹ. 

Thiên Thanh (T/h)