EVN: Ngành điện chuyển đổi số để thoát khỏi định kiến lâu đời

15:07, 12/12/2021

Theo Phó tổng giám đốc EVN, ngành điện chuyển đổi số quyết liệt thời gian qua xuất phát bởi áp lực từ khách hàng, nhằm xoá bỏ định kiến.

Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ sáng nay (11/12), Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá EVN đã chuyển đổi số rất quyết liệt thời gian qua.

Tham dự phiên thảo luận, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN kể lại, đầu tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ cho EVN phải chuyển đổi số trong 2 năm, thay vì 5 năm. Và sau 9 tháng, ông Lâm đánh giá, EVN đã thực hiện rất nhiều công việc Bộ trưởng giao.

Ông nói, hiện tại, EVN vẫn cam kết đến năm 2022 hoàn thành đề án chuyển đổi số và sẽ trở thành một doanh nghiệp số. Tập đoàn này đặt mục tiêu biến việc cung cấp các dịch vụ điện lực thành một hành trình trải nghiệm của khách hàng.

"Trong 11 tháng qua, lượng khách hàng tương tác với các dịch vụ cung cấp thông tin của ngành điện tăng 64,7%. Người dân có thể giám sát online tình hình sử dụng điện của mình sau 4 giờ hoặc 1 ngày", ông Lâm dẫn chứng và thông tin thêm tại Hà Nội, khách hàng 99,6% có thể thanh toán trực tuyến, thay vì thu ngân phải đến "gõ cửa từng nhà" để thu tiền. Ngoài ra, người dân cũng đã có thể ký hợp đồng mua bán điện trực tuyến.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN. Ảnh: Phạm Chiểu

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN.

Đơn vị này đã ứng dụng AI chăm sóc khách hàng. Trong đó, các cuộc gọị đến trung tâm khách hàng có đến một phần ba được trả lời bằng chatbot. Hiện hệ thống giám sát điều khiển của EVN có đến 96,45% các trạm 110kV là không người trực, với trạm 220kV là 75%, với 63 trung tâm điều khiển từ xa.

Ông Lâm chia sẻ, EVN cũng đang triển khai ứng dụng blockchain trong việc cho phép người có điện mái nhà không dùng hết, có thể bán cho người khác, không phải ngay bên cạnh mà cũng có thể tại bất kỳ đâu ở Việt Nam.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng sau đó đặt câu hỏi rằng, giữa nhu cầu thực tiễn của thị trường và ý chí chủ quan của lãnh đạo tập đoàn, yếu tố nào đã giúp EVN chuyển đổi số nhanh như vậy.

Về vấn đề này, ông Võ Quang Lâm khẳng định việc chuyển đổi số của EVN là xuất phát từ áp lực của khách hàng, từ thị trường. "Chúng tôi rất mong muốn thoát khỏi định kiến rất lâu đời với ngành điện, ngành năng lượng để tạo thành sân chơi bình đẳng, giúp tất cả thành phần kinh tế tham gia vào", Phó tổng giám đốc EVN nói.

Tại sự kiện, các diễn giả cũng thảo luận rất sôi nổi về việc chuyển đổi số xuất phát từ công nghệ hay từ nhu cầu của con người, nỗi đau của khách hàng. Ông Vũ Minh Trí, Phó chủ tịch Công ty IoT Link cho rằng chuyển đổi số không phải chỉ là về vấn đề công nghệ. Theo ông, tất cả cách con người vận hành tổ chức của mình vẫn là mấu chốt.

"Chuyển đổi số là quản lý sự thay đổi, cực khó. Khi con người có giải pháp về công nghệ rất thuyết phục, vấn đề tiếp theo là phải quản lý sự thay đổi để ứng dụng công nghệ tốt hơn", ông Trí nói.

Ông Hà Trung Kiên, Phó tổng giám đốc G-Group cũng đồng quan điểm rằng các công nghệ cũng chỉ là công cụ, quan trọng vẫn là con người. "Con người phải thực sự quyết tâm xây dựng văn hoá doanh nghiệp, xây dựng tổ chức của mình bền chặt hay không", ông Kiên chia sẻ.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ.

Theo ông, công nghệ mới xuất hiện là tạo ra cơ hội cho sự thay đổi, cơ hội cho chúng ta xử lý những bài toán tồn tại lâu dài của loài người. Sau đó, xuất hiện câu chuyện chúng ta có muốn, có dám không, có thể chế hoá để cho cái mới hợp pháp không. Cho nên mối quan hệ giữa công nghệ và thể chế phải là như vậy.

"Có lúc nói chuyển đổi số nhiều hơn là về vấn đề thể chế là vì công nghệ đã xuất hiện rồi. Còn nếu công nghệ chưa xuất hiện, chúng ta cũng không có cơ hội để chuyển đổi số", ông nói thêm.

Theo/vnexpress.net