G7 đưa ra nhiều cam kết quan trọng

10:38, 14/06/2021

Theo Reuters và TTXVN, tại phiên bế mạc Hội nghị cấp cao G7 diễn ra ở Anh ngày 13-6, các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố sẽ ủng hộ các mục tiêu về bảo vệ môi trường và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. G7 cam kết giảm gần một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với năm 2010 và ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học; đồng thời sẽ hỗ trợ nhiều hơn về tài chính cho các quốc gia đang phát triển chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao G7 tại Anh.

* Các quan chức G7 ủng hộ kế hoạch toàn cầu mới xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia nghèo hơn, cung cấp quan hệ đối tác "định hướng giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch". G7 cam kết chi hàng trăm tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Dự án "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) của G7 được Thủ tướng Ðức A.Merkel đánh giá là một sáng kiến quan trọng rất cần thiết tại châu Phi.

* Thủ tướng Anh B.Johnson ca ngợi "Tuyên bố Vịnh Carbis" là kế hoạch hành động "mang tính lịch sử" của G7 trong nỗ lực ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Tuyên bố Vịnh Carbis bao gồm một loạt cam kết về cắt giảm thời gian cần thiết để phát triển và cấp phép cho vaccine, củng cố mạng lưới giám sát y tế toàn cầu.

* Các nhà lãnh đạo G7 cố gắng giải quyết những khác biệt về đề xuất tái phân bổ 100 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giúp các quốc gia đối phó cuộc khủng hoảng Covid-19. Các thành viên của IMF đã đồng ý tăng 650 tỷ USD trong Quyền rút vốn đặc biệt của IMF và các nước G7 đang xem xét liệu có nên phân bổ lại 100 tỷ USD trong quyền của họ để giúp các nước nghèo chống đại dịch hay không.

* Nhà trắng thông báo, trong cuộc gặp trực tiếp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ B.Johnson với người đồng cấp Pháp E.Macron bên lề Hội nghị G7, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một loạt vấn đề, từ nỗ lực an ninh y tế toàn cầu nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19, tới sự bất bình đẳng bắt nguồn từ toàn cầu hóa, liên minh xuyên Ðại Tây Dương. Tổng thống Biden đánh giá cao sự lãnh đạo của Pháp trong các vấn đề khí hậu.

* Bên lề hội nghị, Thủ tướng Canada J.Trudeau và Tổng thống Mỹ J.Biden đã thảo luận về một số chủ đề quan trọng. Hai nhà lãnh đạo đã đề cập việc xem xét các biện pháp để dần mở lại đường biên giới giữa Canada và Mỹ một cách thận trọng.

* Trong một tuyên bố chung giữa Thủ tướng Canad J.Trudeau và Tổng thống Pháp E.Macron, hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác trong các sáng kiến hướng tới phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19, tăng cường hợp tác đa phương thông qua tài trợ cho chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

* Sau một loạt cuộc gặp các nhà lãnh đạo châu Âu, Thủ tướng Anh B.Johnson cảnh báo rằng, London sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo đảm thương mại lưu thông tự do giữa Anh và Bắc Ireland, bao gồm cả việc kích hoạt điều khoản tự vệ. Thủ tướng Anh hối thúc các đối tác châu Âu thể hiện sự thỏa hiệp liên quan vấn đề thương mại của Bắc Ireland để có thể nhanh chóng tìm ra giải pháp.

* Tại hội đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Australia, hai nhà lãnh đạo nhất trí mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực sử dụng hydro và các công nghệ carbon thấp khác. Tổng thống Hàn Quốc cũng đề nghị Chính phủ Australia tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Hàn Quốc thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Theo(TTXVN/Reuters)